Để phục vụ người dân một cách thuận tiện hơn trong điều kiện
không còn tổ chức công an cấp huyện, Bộ Công an đã phân cấp mạnh mẽ cho công an
cấp xã. Những địa bàn có điều kiện sẽ được giao tiếp nhận và giải quyết tối đa
35 thủ tục hành chính, dịch vụ công trực tuyến thuộc các lĩnh vực như quản lý
xuất nhập cảnh, cấp và quản lý căn cước công dân, định danh và xác thực điện tử,
quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, đăng ký và quản
lý phương tiện giao thông. Sự phân cấp này không chỉ giúp giảm tải cho Công an
tỉnh mà còn giúp người dân tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại khi cần giải quyết
các thủ tục liên quan đến đời sống hàng ngày.
Xác định được nhiệm vụ sau khi sắp xếp, Công an xã
Na Ư (huyện Điện Biên) đã nhanh chóng ổn định tổ chức, chủ động bám sát địa
bàn, nâng cao chất lượng phục vụ hành chính và góp phần giữ vững an ninh trật tự
tại địa phương. Cán bộ, chiến sĩ đang từng ngày từng giờ chứng minh vai trò
nòng cốt trong việc giữ gìn an ninh trật tự để trở thành điểm tựa đáng tin cậy
cho chính quyền và nhân dân địa phương trong giai đoạn bộ máy tổ chức vừa được
sắp xếp lại.
Thiếu tá Lê Đức Nhật, Trưởng Công an xã Na Ư chia sẻ: “Việc
lực lượng công an xã được phân quyền, tăng thẩm quyền, thêm nhiệm vụ đã đặt ra
nhiều thách thức. Thời gian đầu tiếp nhận thêm nhiệm vụ, chúng tôi gặp nhiều áp
lực. Từ việc tiếp cận các loại thủ tục hành chính cho đến tiếp nhận hồ sơ
căn cước công dân, xử lý các vụ việc phức tạp tại cơ sở… đều cần triển khai
nhanh chóng và hiệu quả. Nhờ sự hỗ trợ kịp thời của Công an tỉnh và sự động
viên từ chính quyền địa phương, chúng tôi từng bước vượt qua những trở ngại ban
đầu”.
Sau khi tiếp nhận thêm nhiệm vụ, Công an xã Trung Thu, huyện Tủa Chùa cũng nhanh chóng ổn định và bắt nhịp với mô hình tổ chức mới. Trung Thu là xã vùng cao, dân cư chủ yếu là người dân tộc Mông, địa bàn rộng, chia cắt, có nhiều bản nằm cách xa trung tâm xã hàng chục cây số. Những điều kiện đặc thù này khiến việc tiếp cận dịch vụ công, tiếp nhận phản ánh từ người dân trước đây gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, kể từ khi công an xã được tăng thêm nhiệm vụ, quyền hạn, người dân tại Trung Thu đã có thể làm nhiều thủ tục hành chính ngay tại địa phương mà không phải di chuyển xuống huyện như trước.
Đại úy Giàng A Vảng, Phó Trưởng Công an xã Trung Thu chia sẻ:
“Trước đây bà con muốn làm căn cước, đăng ký xe, hay cần xác minh hồ sơ phải xuống
tận huyện, mất nhiều thời gian đi đường. Bây giờ, ở ngay trụ sở công an xã,
chúng tôi có thể tiếp nhận, xử lý hồ sơ ban đầu, nhập liệu lên hệ thống và hỗ
trợ bà con một cách nhanh chóng. Đây là thay đổi lớn và rất thiết thực”.
Việc tăng nhiệm vụ và thẩm quyền cho lực lượng công an xã
cũng đặt ra không ít thách thức, nhất là trong điều kiện địa hình khó khăn,
phương tiện, trang bị và cơ sở vật chất còn hạn chế. Tuy nhiên, Công an tỉnh đã
chủ động xây dựng các phương án hỗ trợ lực lượng cơ sở, từ đào tạo, bồi
dưỡng nghiệp vụ đến bố trí trang thiết bị, phương tiện phù hợp.
“Từ khi được giao thêm nhiệm vụ, lực lượng công an xã chúng
tôi đã được đào tạo, tập huấn bài bản về nghiệp vụ cơ bản, xử lý hiện trường và
làm việc với người dân. Với đặc thù địa bàn rộng, dân cư sống rải rác, việc lực
lượng công an xã có thể xử lý bước đầu ngay tại cơ sở giúp tiết kiệm thời gian,
phản ứng nhanh hơn, đặc biệt là trong các vụ việc phát sinh đột xuất” - Đại úy
Vảng nhấn mạnh.
Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng - an ninh. Với 10 đơn vị hành chính cấp huyện, 129 xã, phường, thị trấn, đường biên giới dài, tình hình an ninh trật tự tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, đặc biệt là các loại tội phạm ma túy, buôn bán người, truyền đạo trái pháp luật. Trong bối cảnh đó, lực lượng công an xã không chỉ là cánh tay nối dài của Đảng, chính quyền tại cơ sở mà còn là lực lượng tuyến đầu trong phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật. Sau khi sắp xếp lại bộ máy, đến nay, công an các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh đã bảo đảm quá trình chuyển giao, tiếp nhận nhiệm vụ để thực hiện nhanh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ngay từ cơ sở; hình thành thế trận an ninh nhân dân vững chắc.
Từ Na Ư đến Trung Thu, có thể thấy việc tăng thẩm
quyền, thêm nhiệm vụ cho công an cấp xã không chỉ là sự thay đổi về cơ cấu hành
chính, mà là một sự chuyển biến toàn diện trong cách phục vụ nhân dân. Chính sự
gần dân, sát dân, hiểu dân và phục vụ nhân dân đã làm nên sức mạnh của lực lượng
công an xã trong mô hình tổ chức mới. Từ đó tạo ra sự gắn bó của lực lượng công
an xã với nhân dân các dân tộc, giúp bà con yên tâm lao động, sản xuất, xây dựng
đời sống mới, góp phần vào sự ổn định và phát triển bền vững của địa phương.