Thiếu nữ Nguyễn Thị Lan Anh
trong trang phục áo dài in hình Tổ quốc.
Cũng thời gian này năm trước, cả “phố núi” Điện Biên Phủ đang khoác lên tấm áo mới. Từ những con đường dẫn vào lòng chảo Mường Thanh, đến những di tích lịch sử đồi A1, Hầm Đờ Cát, Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ... đâu đâu cũng thấy cờ hoa rực rỡ với những dòng người từ khắp mọi miền Tổ quốc. Người Điện Biên, từ cụ già đến những học sinh, ai cũng ánh lên niềm tự hào khó tả. Còn hôm nay, tại TP. Hồ Chí Minh, không khí rộn ràng cũng đang đến từ những hoạt động chuẩn bị cho lễ kỷ niệm, len lỏi trong từng góc phố, từng câu chuyện của người dân. Không khí rộn ràng náo nhiệt ấy, tưởng chừng chỉ thuộc về nơi trái tim phương Nam, nhưng lại có sức lan tỏa mạnh mẽ, chạm đến cả những người con ở miền biên viễn xa xôi.
Điện Biên hôm nay, dù cuộc sống đã trở lại nhịp điệu thường nhật sau những ngày lễ lớn năm trước, nhưng tình yêu Tổ quốc, niềm tự hào dân tộc vẫn luôn cháy trong tim mỗi người dân. Điều đó được thể hiện không chỉ qua những lời nói, suy nghĩ, mà còn qua những hành động, những “trend” (xu hướng) đầy ý nghĩa và sáng tạo của giới trẻ nơi đây.
Một trong những xu hướng “gây sốt” thời gian gần đây chính là chụp ảnh với tà áo dài mang họa tiết cờ đỏ sao vàng, hình đất nước... để hướng về ngày kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất non sông. Trên những cung đường ngập cờ hoa, trên những ngọn đồi lịch sử lộng gió, hay đơn giản là giữa cánh đồng Mường Thanh xanh ngút ngàn, hình ảnh những thiếu nữ Điện Biên duyên dáng trong tà áo dài thiêng liêng đã trở thành một biểu tượng đẹp, chạm đến trái tim của biết bao người. Như một lời tuyên ngôn thầm lặng về tình yêu đất nước, khoác lên mình tà áo ấy, mỗi bạn trẻ như cảm nhận được lịch sử, cảm nhận được niềm tự hào về quá khứ hào hùng và trách nhiệm với tương lai.
Bắt “trend” từ khá sớm, Nguyễn Thị Lan Anh, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên đã chụp cho mình bộ ảnh trong trang phục áo dài mang hình đất nước. Cùng chiếc nón họa tiết cờ đỏ sao vàng, cô gái trẻ này mong muốn có những bức ảnh thật đẹp, ý nghĩa để chia sẻ vào dịp 30/4 tới đây. Nguyễn Thị Lan Anh tâm sự: “Cùng với người dân cả nước, người dân Điện Biên cũng đang rộn ràng hướng về ngày kỷ niệm trọng đại. Bản thân tôi cũng muốn làm điều gì đó để thể hiện tình yêu với Tổ quốc trong ngày vui thống nhất non sông. Mặc chiếc áo dài có hình đất nước, tôi thực sự xúc động. Cảm giác như mình được hòa vào dòng chảy lịch sử, được chạm vào niềm tự hào thiêng liêng của dân tộc. Đây không giống như mặc một bộ trang phục đẹp đơn thuần mà nó khiến tôi thấy mình cần phải sống ý nghĩa hơn, phải nỗ lực rèn luyện, cống hiến để xứng đáng với sự hi sinh của thế hệ đi trước, xứng đáng với màu cờ sắc áo này”.
Không chỉ có áo dài, hình ảnh những em bé Điện Biên khoác lên mình chiếc áo trấn thủ màu xanh lá đặc trưng của Bộ đội Cụ Hồ, đứng nghiêm trang cũng trở thành “trend” đầy ý nghĩa thể hiện tình yêu đất nước trong ngày trọng đại. Chiếc áo trấn thủ sờn vai, bạc màu trong các viện bảo tàng giờ đây như được “sống lại” trên vai thế hệ trẻ. Đó là cách để họ thể hiện lòng kính trọng, sự ngưỡng mộ đối với những người lính Điện Biên năm xưa. Bên cạnh đó, việc quay những đoạn video ngắn ghi lại vẻ đẹp của Điện Biên, những tuyến phố rực rỡ cờ hoa lồng ghép nhạc nền cách mạng hào hùng cũng là cách giới trẻ Điện Biên lan tỏa tình yêu quê hương, hướng về miền Nam ruột thịt. Những “trend” này không chỉ là những hoạt động bề nổi mà cho thấy một điều sâu sắc hơn: Tình yêu Tổ quốc đã thấm sâu vào tiềm thức của người dân Điện Biên, đặc biệt là thế hệ trẻ. Họ không chỉ tự hào về quá khứ, mà còn biết cách thể hiện niềm tự hào đó một cách sáng tạo, phù hợp với thời đại, lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến cộng đồng.
Niềm tự hào và tình cảm của Điện Biên hướng về miền Nam không chỉ dừng lại ở những hoạt động tại quê nhà. Trong những ngày này, tại TP. Hồ Chí Minh còn có những người con ưu tú của Điện Biên đang vinh dự góp mặt trong các khối diễu binh, diễu hành chuẩn bị cho ngày lễ lớn.
Đại diện cho tỉnh nhà trong đợt diễu binh, diễu hành quan trọng này có 4 nữ quân nhân thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Trong số những “bông hoa thép” ấy, có một gương mặt đặc biệt gây ấn tượng - chiến sĩ Toán Toán De, cô gái dân tộc Hà Nhì đến từ xã Sen Thượng, huyện Mường Nhé. Chiến sĩ Toán Toán De chia sẻ: Thật vinh dự và tự hào khi tôi được đóng góp một phần nhỏ cho đại lễ chào mừng kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Niềm vinh dự tự hào ấy không chỉ của riêng tôi mà còn là của gia đình, bạn bè và những người con của mảnh đất Điện Biên. Khi đặt chân tới miền Nam, lần đầu tiên đi trên chuyến tàu Bắc - Nam, cả dọc đường chúng tôi đã được tiếp sức từ những người dân, thấy được sự yêu quý của mọi người, chúng tôi lại cảm thấy tự hào hơn khi đứng trong hàng ngũ Quân đội nhân dân Việt Nam và thực hiện nhiệm vụ này. Ngay trong lần tổng hợp luyện đầu tiên tại thành phố mang tên Bác cũng đã để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi. Cuộc diễu hành “đi trong lòng dân” đem đến niềm tự hào vô bờ bến và lòng biết ơn thế hệ ông cha đã ngã xuống để có hòa bình, đẹp như ngày hôm nay.
“Trong nhiệm vụ này chắc chắn không thể tránh khỏi những khó khăn mà chúng tôi phải trải qua, thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng, cường độ luyện tập ngày càng cao, điều kiện ăn ở tập trung cũng có nhiều hạn chế hơn so với những nơi tập trung tập luyện trước đó. Nhưng chính từ khó khăn, thử thách đó đã rèn luyện ý chí chúng tôi. Có lẽ từ lòng yêu nước đã giúp chúng tôi kiên cường mạnh mẽ hơn. Thời gian tới là thời điểm quan trọng để quyết định hoàn thành nhiệm vụ, chúng tôi - những người con của Điện Biên sẽ cố gắng hết sức vượt qua mọi khó khăn và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này” - Toán Toán De xúc động.
Lời tâm sự chân thành và đầy cảm xúc của Toán Toán De không chỉ phác họa rõ nét hình ảnh một nữ quân nhân Hà Nhì kiên cường mà còn là tiếng lòng của rất nhiều người con Điện Biên, người con đất Việt đang hướng về ngày kỷ niệm trọng đại với tất cả niềm tự hào và trách nhiệm. Sự hiện diện của cô gái Hà Nhì từ Mường Nhé, cùng với những nữ chiến sĩ Điện Biên khác, giữa lòng thành phố mang tên Bác trong dịp lễ trọng đại này tựa như những sợi chỉ thắm bền chặt, nối liền mảnh đất Điện Biên lịch sử với trái tim phương Nam. Họ không chỉ mang theo kỷ luật, sức trẻ, mà còn mang theo cả tình cảm, niềm tin và lòng tự hào của người dân Điện Biên gửi gắm vào ngày hội non sông.
Miền Nam luôn ở trong trái tim Điện Biên, như một lẽ tự nhiên, như máu chảy về tim, như tình yêu son sắt với Tổ quốc không bao giờ phai nhạt. Và chắc chắn rằng, dù ở đâu, làm gì, người Điện Biên cũng sẽ luôn dõi theo, ủng hộ và tự hào về những bước phát triển của miền Nam thân yêu, của cả đất nước Việt Nam trên con đường hội nhập và phát triển. Ngọn lửa Điện Biên năm xưa vẫn đang cháy sáng, soi đường cho thế hệ hôm nay vững bước đi lên, xây dựng quê hương, đất nước.