ĐBP - Sáng 25/4, dưới sự chủ trì của các đồng chí: Quàng Văn Hương, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Lò Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Đoàn khảo sát của Hội đồng Dân tộc đã làm việc với UBND tỉnh về kết quả thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (giai đoạn 1 từ 2021 - 2025) trên địa bàn tỉnh. Dự buổi làm việc có đồng chí Lò Thị Luyến, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh; đại diện lãnh đạo sở ngành, đơn vị liên quan.
Phó Chủ tịch Hội đồng
Dân tộc Quàng Văn Hương kết luận buổi làm việc.
Chương trình MTQG Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có 10 dự án, 14 tiểu dự án. Trong đó tỉnh Điện Biên được bố trí kinh phí để triển khai thực hiện 10 dự án và 13 tiểu dự án thành phần (trừ Tiểu dự án 2, Dự án 4 về Đầu tư cơ sở vật chất các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động trong lĩnh vực công tác dân tộc, do trên địa bàn tỉnh không có đối tượng thụ hưởng). Kết quả huy động, phân bổ các nguồn lực thực hiện Chương trình từ năm 2022 - 2025 trên 4.447 tỷ đồng, giải ngân đến ngày 31/3/2025 trên 2.932 tỷ đồng (đạt 66% kế hoạch).
Hiện nay còn 7 mục tiêu, chỉ tiêu đề ra đến năm 2025 chưa đạt; 4 chỉ tiêu khó đạt như: Thu nhập bình quân của người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tăng trên 2 lần so với năm 2020; có 45 xã đặc biệt khó khăn thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn; tỷ lệ trường, lớp học được xây dựng kiên cố (còn thiếu 23% so với mục tiêu Chương trình đề ra); tỷ lệ thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng (còn thiếu 24% so với mục tiêu Chương trình đề ra).
Đồng chí Lò Thị Luyến,
Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.
Thành viên Đoàn công tác, đại diện
lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh và các địa phương tập trung làm rõ khó khăn, vướng
mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Cụ thể: Hệ thống chính sách đầu tư
cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được rà soát, sửa đổi, bổ sung song còn
chưa đồng bộ, chưa sát với tình hình thực tiễn. Đời sống của nhân dân các dân tộc
thiểu số tuy đã nâng lên nhưng thiếu bền vững, tỷ lệ hộ nghèo và nguy cơ tái
nghèo còn cao. Mức đối ứng còn cao, các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo
không có điều kiện tham gia đối ứng. Một số ý kiến cho rằng nên gộp 3 Chương
trình MTQG hiện tại thành 1 Chương trình MTQG giai đoạn 2026 - 2030, từ đó căn
cứ điều kiện, tình hình của mỗi địa phương để phân bổ, hỗ trợ nguồn
lực cho phù hợp.
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương đề nghị các sở, ngành và địa phương cần rà soát lại các đối tượng thụ hưởng và cơ chế chính sách hiện hành; kiểm tra, khắc phục kịp thời những khó khăn, vướng mắc ngay tại cơ sở. Tiếp tục thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững cho các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Triển khai thực hiện các chính sách, chương trình, dự án đảm bảo đúng phạm vi, địa bàn, định mức, đối tượng thụ hưởng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động. Phân công cán bộ theo dõi chặt chẽ các mô hình, dự án đảm bảo triển khai thực hiện hiệu quả; ưu tiên địa bàn còn hạn chế về cơ sở vật chất; ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Tin,
ảnh: Đức Kiên