Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, ĐBQH tỉnh phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận.
Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp nhằm xử lý các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, đồng thời đảm bảo thực hiện cam kết phòng, chống rửa tiền của Việt Nam. Đại biểu Nguyễn Văn Thắng cho biết, đây là vấn đề cấp bách vì Việt Nam đã bị FATF (Lực lượng đặc nhiệm tài chính) đưa vào Danh sách giám sát tăng cường (còn gọi là Danh sách Xám) vào ngày 30/6/2023.
Khi một quốc gia bị đưa vào Danh sách Xám thì nền kinh tế của quốc gia đó sẽ phải chịu nhiều tác động tiêu cực. Theo nghiên cứu của IMF, quốc gia bị đưa vào Danh sách Xám sẽ bị giảm sút đáng kể luồng vốn đầu tư của nước ngoài vào quốc gia đó (khoảng 7,6% trên tổng GDP cả nước). Bên cạnh đó, giao dịch tài chính ra nước ngoài của các tổ chức tài chính (ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán...) tại quốc gia này sẽ bị các nước tính phí cao hơn và giao dịch sẽ phải chịu sự rà soát tăng cường. Các chi phí này ước tính có thể lên tới hàng triệu đô la Mỹ tùy thuộc quy mô nền kinh tế.
Tham gia ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, đại biểu Lò Thị Luyến, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh phân tích, theo tính toán thì cứ tăng trưởng 1% GDP thì nhu cầu điện tăng 1,5%. Do vậy, trong bối cảnh nguồn cung ứng điện năng cho nền kinh tế chưa đáp ứng nhu cầu phát triển, hạ tầng kỹ thuật điện năng chưa hiện đại, tỷ lệ tổn thất điện năng lớn... thì việc Nhà nước ban hành các chính sách và quy định cụ thể để việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả là hết sức cần thiết.
Đại biểu nhất trí với chủ trương bổ sung quy định sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một chỉ tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia và của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương vào dự thảo Luật. Tuy nhiên, đề nghị đưa nội dung này về Điều 7 quy định thống kê về sử dụng năng lượng thay vì quy định tại Điều 5 vì đây không phải là chính sách của Nhà nước, đồng thời cần làm rõ hơn tính khả thi và lộ trình áp dụng quy định này trong thực tiễn.
Đại biểu cũng nhất trí với quy định phân cấp cho UBND cấp tỉnh xây dựng, ban hành danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm thay vì quy định giao Thủ tướng Chính phủ như hiện nay. Theo đó, UBND cấp tỉnh một năm một lần sẽ xây dựng, ban hành danh sách cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trên địa bàn và gửi Bộ Công Thương tổng hợp.
Góp ý thêm, đại biểu đề nghị bỏ Khoản 6, Điều 45, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả hiện hành, quy định trách nhiệm của Bộ Công thương về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đề nghị bổ sung, chuyển nội dung này cho Thanh tra Chính phủ để phù hợp với chủ trương kết thúc hoạt động của Thanh tra các bộ tại Kết luận 134 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.