Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, ĐBQH tỉnh cho biết việc sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước nhằm thể chế các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước về ngân sách nhà nước; tăng cường phân cấp, phân quyền, phân định trách nhiệm, quyền hạn giữa trung ương và địa phương; cắt giảm, đơn giản quy trình, thủ tục, cơ cấu lại ngân sách nhà nước, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch.
Góp ý vào dự thảo Luật, đại biểu Lò Thị Luyến, Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh chia sẻ, hiện nay nguồn vốn sự nghiệp để triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia được phân bổ, quản lý, giải ngân theo năm ngân sách như nội dung chi thường xuyên bảo đảm hoạt động của các cơ quan, đơn vị nên rất khó khăn khi triển khai thực hiện dẫn đến tỷ lệ giải ngân thấp.
Giai đoạn 2021 - 2025, Quốc hội đã cho phép kéo dài thời hạn giải ngân đối với nguồn vốn sự nghiệp của 03 chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đến hết 31/12/2025 để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao tỷ lệ giải ngân nguồn vốn này.
Xuất phát từ thực tiễn nêu trên, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, có quy định riêng đối với cơ chế phân bổ và giải ngân nguồn vốn sự nghiệp thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo hướng phân bổ và giải ngân theo giai đoạn 05 năm thay vì theo năm ngân sách như hiện nay.
Phát biểu ý kiến tham gia vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam, đại biểu Quàng Thị Nguyệt cho biết, dự thảo Luật bổ sung quy định “Quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền Việt Nam liên quan đến quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật này không bị khiếu nại, khiếu kiện”.
Đại biểu phân tích, theo quy định của Luật Quốc tịch hiện hành và dự thảo Luật, các vấn đề quốc tịch không chỉ bao gồm các quyết định cuối cùng của Chủ tịch nước như cho nhập, trở lại, thôi, tước hoặc hủy bỏ quyết định nhập quốc tịch, mà còn bao gồm quá trình xem xét hồ sơ với sự tham gia của nhiều cơ quan như Sở Tư pháp, UBND cấp tỉnh, Bộ Tư pháp và cơ quan đại diện ở nước ngoài. Các bước này có thể có sai phạm về quy trình, thủ tục, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người xin nhập hoặc trở lại quốc tịch.
“Như vậy nội dung quy định quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến quốc tịch Việt Nam không bị khiếu nại, khiếu kiện là chưa thống nhất với Điều 30 Hiến pháp 2013 về quyền khiếu nại, tố cáo của công dân và có thể tạo nên sự băn khoăn về tính minh bạch của hệ thống pháp luật” - đại biểu khẳng định.
Đại biểu đề nghị chỉ quy định không được khiếu nại, khiếu kiện đối với các quyết định của Chủ tịch nước về quốc tịch, do đây là quyết định mang tính đặc thù, liên quan đến lợi ích quốc gia. Còn đối với các văn bản hành chính do các cơ quan khác ban hành, như thông báo của Sở Tư pháp hoặc kiến nghị của UBND cấp tỉnh, cần cho phép người dân khiếu nại, khiếu kiện nếu phát hiện sai phạm về quy trình, thủ tục. Đồng thời, Chính phủ cần quy định chi tiết cơ chế xử lý khiếu nại, khiếu kiện, đảm bảo thời hạn giải quyết nhanh chóng, không làm kéo dài quá trình ra quyết định cuối cùng.