Các chính sách được quy định tại dự thảo Nghị quyết về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 - 5 tuổi gồm: Đầu tư phát triển mạng lưới trường, lớp; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tối thiểu; Bảo đảm đội ngũ giáo viên mầm non theo định mức quy định; Bảo đảm đầy đủ kinh phí hoạt động cho các cơ sở giáo dục mầm non công lập; Bổ sung, sửa đổi các chính sách đối với trẻ em, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên cấp học mầm non; Chính sách đột phá về đầu tư phát triển giáo dục mầm non, ưu tiên phát triển giáo dục mầm non ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hải đảo, biên giới, bãi ngang ven biển, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, địa bàn có khu công nghiệp, khu chế xuất; Nghiên cứu xây dựng, ban hành chính sách khuyến khích xã hội hóa và các chính sách phát triển giáo dục mầm non phù hợp quy định của pháp luật.
Tham gia phát biểu ý kiến, đại biểu Lò Thị Luyến, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh nhất trí với sự cần thiết ban hành nghị quyết của Quốc hội về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3 - 5 tuổi và bày tỏ sự đồng thuận cao với các chính sách quy định tại dự thảo.
Xuất phát từ thực tiễn cơ sở vật chất trường, lớp học và trang thiết bị dạy học hiện nay, đại biểu Lò Thị Luyến nhất trí với mục tiêu trước mắt sẽ đầu tư phát triển mạng lưới trường, lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tối thiểu. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Chính phủ cần tính toán, cân đối kinh phí và có lộ trình cụ thể để từng bước nâng cao chất lượng, hiện đại hoá trường, lớp học và trang thiết bị dạy học.
Về bố trí giáo viên, đại biểu cho biết hiện nay biên chế giáo viên còn thiếu, chưa được bố trí theo định mức quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tuy nhiên các tỉnh, thành phố vẫn phải thực hiện chủ trương tinh giản biên chế theo số lượng biên chế hiện có. Đề nghị Chính phủ đề xuất cấp có thẩm quyền quan tâm, bố trí đủ biên chế giáo viên theo định mức của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng khó khăn khi mà địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, khó thu hút được xã hội hoá giáo dục.
Tham gia ý kiến vào dự thảo Nghị quyết về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh nhất trí cao với quy định miễn học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục công lập và hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục.
Về phương thức hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu, quy định việc chi trả hỗ trợ học phí cho nhóm đối tượng này theo phương thức cấp trực tiếp cho người học thay vì hỗ trợ qua cơ sở giáo dục. Theo đại biểu, hiện nay tất cả trẻ em đã có mã định danh cá nhân và chúng ta đã xây dựng được cơ sở dữ liệu về dân cư, do đó việc chi trả trực tiếp cho người dân sẽ tương đối thuận lợi và việc chi trả trực tiếp cho người học sẽ giúp người dân cảm nhận rõ được chính sách hỗ trợ của Nhà nước.