Một trong những nội dung được bổ sung mới trong dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) so với Luật hiện hành đó là, quy định các nhiệm vụ chi được chuyển nguồn bao gồm: Các khoản chi mua sắm hàng hóa, dịch vụ, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng, đặt hàng, giao nhiệm vụ đã đầy đủ hồ sơ, hợp đồng ký trước ngày 31/12 năm thực hiện dự toán; các khoản phụ cấp, trợ cấp, các khoản tính theo tiền lương, chi đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; chi dự trữ quốc gia; chi viện trợ cho các Chính phủ nước ngoài; các khoản chi từ nguồn viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam, các khoản đóng góp tự nguyện đã được xác định nhiệm vụ chi cụ thể; các khoản kinh phí phải hoàn trả ngân sách cấp trên theo kết luận, kiến nghị của cơ quan Thanh tra, Kiểm toán.
Theo tờ trình của Chính phủ, lý do đề xuất, bổ sung nội dung này là để đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tiễn; đảm bảo nguồn lực thực hiện các chính sách ưu tiên phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số theo Nghị quyết của Đảng; đồng bộ với quy định của Luật Dự trữ quốc gia; phù hợp với chi viện trợ cho nước ngoài theo cam kết, hiệp định.
Tham gia phát biểu ý kiến, đại biểu Lò Thị Luyến, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh nhất trí với quy định trên, đồng thời đề nghị bổ sung nhiệm vụ chi được chuyển nguồn đó là nhiệm vụ chi thường xuyên của các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Theo quy định của Luật ngân sách Nhà nước hiện hành, các đơn vị được giao ngân sách thực hiện nhiệm vụ chi thường xuyên phải giải ngân nguồn vốn sự nghiệp của các lĩnh vực trong năm ngân sách (bắt đầu từ ngày 1/1 và kết thúc vào ngày 31/12 dương lịch).
Theo đại biểu, việc giao địa phương thực hiện giải ngân vốn chương trình mục tiêu quốc gia như vốn sự nghiệp hàng năm về y tế, giáo dục, môi trường, giao thông... là rất khó, dẫn đến tỷ lệ giải ngân thấp. Nguyên nhân do vốn chương trình mục tiêu quốc gia thường giao muộn, khi được Trung ương giao vốn thì địa phương mới tiến hành các thủ tục: Rà soát, thống kê đối tượng được thụ hưởng, xây dựng kế hoạch, thực hiện các thủ tục để giải ngân, đề xuất điều chỉnh những vướng mắc (nếu có). Khi chuẩn bị xong các thủ tục để giải ngân thì cũng kết thúc năm ngân sách.
Đại biểu thông tin, giai đoạn trước năm 2020, đa số các địa phương phải hủy dự toán ngân sách trên 80% đối với nguồn vốn sự nghiệp chương trình mục tiêu quốc gia. Giai đoạn 2021 - 2025 cũng vẫn lặp lại tình trạng “có tiền nhưng không thể tiêu được”. “Kết quả là chính sách của Đảng và Nhà nước ban hành là thật, rất ưu việt nhưng triển khai thực hiện thì lại quá khó; người được thụ hưởng chính sách thì mong mỏi chờ đợi, rồi hụt hẫng, bức xúc; mục tiêu của Chương trình không đạt được” - Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh nhấn mạnh.
Nhiệm kỳ này, Quốc hội đã giám sát việc tổ chức thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia: Giảm nghèo bền vững; Xây dựng nông thôn mới; Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Qua giám sát đã chỉ ra nhiều bất cập và Quốc hội đã ban hành cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó cho phép các địa phương được chuyển nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia được tiếp tục thực hiện và giải ngân đến hết năm 2025.
Để nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia thật sự phát huy hiệu quả theo mục tiêu đề ra, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống của người dân, đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét, bổ sung vào dự thảo Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi) quy định cơ chế riêng cho nhiệm vụ chi thường xuyên chương trình mục tiêu quốc gia theo hướng nguồn vốn được chuyển nguồn để thực hiện và hạch toán quyết toán vào ngân sách năm sau.
Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã tiếp thu ý kiến đại biểu. Bộ trưởng cho biết, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý để hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội thông qua.