Người dân bản Mển, xã Thanh Nưa (huyện Điện Biên) vui mừng trước sự đổi thay của Điện Biên qua thông tin từ sách, báo.
Những ngày vượt khó đi lên
Cách đây 71 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội, đập tan ách thống trị, đô hộ của thực dân Pháp, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Sau chiến thắng, quân dân Điện Biên lại tiếp tục bước vào “trận chiến” xóa đói nghèo, kiến thiết xây dựng quê hương.
Nhớ lại những ngày đầu sau giải phóng, ông Vũ Kiệm năm nay đã ngoài 90 tuổi ở phường Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ chia sẻ: “Quang cảnh lúc bấy giờ hết sức hoang sơ, chỉ có 3 - 4 ngôi nhà mái ngói. Từ đồi A1 lên đến gần khu vực chợ Trung tâm 1 bây giờ không có cơ quan nào. Giải phóng rồi, nhưng người dân vẫn còn đói khổ, nhất là đồng bào dân tộc, ăn không đủ no. Đến nay thì mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn, ngay cả những người được chứng kiến từ đầu như chúng tôi thì cũng khó hình dung ra được”.
Với khẩu hiệu “lấy Tây Bắc làm quê hương”, nhiều cán bộ, chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến từ khắp mọi miền Tổ quốc đã rời quê hương lên Điện Biên chung sức cùng với đồng bào các dân tộc bản địa cải tạo, khôi phục từng tấc đất, thửa ruộng.
Là người xung phong lên xây dựng kinh tế mới ở Điện Biên, hơn ai hết ông Lê Huy Tờm (90 tuổi), tổ 2, phường Thanh Trường (TP. Điện Biên Phủ) hiểu rõ từng sự đổi thay của mảnh đất này. Năm 1959, khi vừa tròn 24 tuổi ông Tờm lên Điện Biên, tham gia xây dựng khu kinh tế ở xã Thanh Xương (huyện Điện Biên). Mãi sau này, khi đã lập gia đình, ổn định kinh tế, ông mới chuyển về phường Thanh Trường sinh sống.
“Thời điểm tôi lên là sau giải phóng đã gần 5 năm rồi, mà giao thông đi lại gần như không có, cơ sở hạ tầng cũng không. Tôi cùng nhiều thanh niên xung phong khác phải khai hoang từng bãi lau lách, rà phá từng hố bom để lấy mặt bằng cải tạo thành ruộng trồng lúa, trồng cà phê, mía... Tôi hạnh phúc lắm, khi bao nhiêu xương máu của thế hệ đi trước, rồi mồ hôi, công sức của chúng tôi đổ xuống đất này không hề vô nghĩa. Điện Biên không chỉ đổi thay mà đang từng ngày phát triển, vươn tầm khu vực” - ông Tờm chia sẻ.
Vươn mình hội nhập
Điều khiến ông Tờm phấn khởi hơn cả, là Sân bay Điện Biên Phủ đã được nâng cấp, hoàn thành, giúp nối gần Điện Biên với mọi miền của Tổ quốc. Ngôi nhà ông đang ở cũng được hoàn thành khang trang hơn nhờ dự án này. Đặc biệt, ngôi nhà chỉ cách bia di tích đồi Bản Kéo - dấu ấn binh vận của chiến dịch Điện Biên Phủ vài bước chân. Vì thế nên mặc dù không được giao nhiệm vụ, song ông Tờm vẫn thường xuyên quan sát, dọn dẹp vệ sinh di tích.
Bà Nguyễn Thị Liên, Bí thư Chi bộ tổ dân phố 2, phường Thanh Trường cho hay: Đời sống của nhân dân trong khu vực di tích đồi Bản Kéo không ngừng phát triển và nâng cao. Toàn tổ dân phố có hơn 100 hộ với khoảng 500 nhân khẩu, không có hộ nghèo. Năm 2023, khi thực hiện chủ trương nâng cấp sân bay Điện Biên Phủ, 50% số hộ trong tổ dân phố đã đồng lòng hiến đất, di dời đến nơi ở mới để thực hiện dự án.
Đến nay, đời sống của người dân về nơi tái định cư mới đã ổn định, một nửa số hộ của tổ dân phố ở nơi ở cũ cũng đã kiến thiết lại nhà cửa khang trang hơn. Người dân trong phố phấn khởi và tập trung bảo vệ, phát huy những giá trị lịch sử của di tích đồi Bản Kéo.
“Đời sống của nhân dân ngày càng phát triển về mọi mặt. Cũng như các địa phương khác, việc giữ gìn khu di tích lịch sử đồi Bản Kéo thì nhân dân trong tổ dân phố đều có ý thức rất tốt. Tất cả các con đường đều được dọn sạch đẹp, phân công cho đoàn thanh niên, phụ nữ tăng cường vệ sinh để khi khách du lịch đến tham quan thấy quang cảnh di tích vẫn giữ được như xưa” - bà Nguyễn Thị Liên cho biết.
Tròn 71 năm sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh luôn khắc ghi truyền thống cách mạng, nêu cao tinh thần Điện Biên Phủ anh hùng trong phát triển kinh tế, đoàn kết, khắc phục hậu quả sau chiến tranh. Từ một bãi chiến trường ngổn ngang bom đạn, thấm đầy mồ hôi và máu xương của quân và dân ta, Điện Biên giờ đã thay da, đổi thịt, vươn mình trong dáng dấp một thành phố trẻ năng động, hiện đại, phát triển và hội nhập mạnh mẽ cùng cả nước. Nhiều công trình lớn được hoàn thành đưa vào sử dụng giúp thay đổi diện mạo thành phố, đặc biệt là sân bay Điện Biên giúp Điện Biên kết nối 2 vùng kinh tế trọng điểm của đất nước là Thủ đô Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Mạng lưới đô thị của tỉnh cũng đang được mở rộng và phát triển theo định hướng quy hoạch. Công tác quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng được chú trọng, đảm bảo tính toàn diện và đi trước một bước, làm cơ sở để xây dựng kế hoạch và triển khai các dự án đầu tư xây dựng, chỉnh trang, phát triển đô thị.
Với sự nỗ lực, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cán bộ, nhân dân các dân tộc trong tỉnh, năm 2024 tốc độ tăng trưởng GRDP của Điện Biên ghi nhận đạt 8,51%. Mục tiêu của tỉnh năm nay là phấn đấu phải đạt được tốc độ tăng trưởng GRDP 10,51%. Để đạt được mục tiêu này, ngay từ đầu năm tỉnh đã ban hành chương trình giải pháp chỉ đạo điều hành tập trung vào 6 quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo và 9 nhóm giải pháp chủ yếu.
Có thể nói, Điện Biên không chỉ là vùng đất cách mạng gắn với chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” mà còn là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế, nhất là du lịch lịch sử, văn hóa, tâm linh.
Sau 71 năm giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đang nỗ lực từng ngày, đoàn kết khắc phục khó khăn, từng bước xây dựng Điện Biên trở thành điểm sáng trên con đường đổi mới.