Cựu chiến binh Nguyễn Tiến Sỹ luôn trân trọng gìn giữ những tấm huân chương, huy chương được trao tặng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Ký ức về những ngày “rực lửa”Trong không khí hân hoan, vui mừng cả nước đang thi đua, lập thành tích kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, qua giới thiệu của ông Lù Văn Chung, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Nam Thanh (TP. Điện Biên Phủ), chúng tôi tìm đến nhà cựu chiến binh Nguyễn Tiến Sỹ tại tổ dân phố 7, phường Nam Thanh.
Tháng 5/1972 theo tiếng gọi của Tổ quốc, chàng trai trẻ Nguyễn Tiến Sỹ lên đường nhập ngũ. Sau 3 tháng huấn luyện, anh tham gia chiến đấu ở mặt trận Tây Quảng Trị. Đầu năm 1973, Nguyễn Tiến Sỹ được cử đi học chuyên ngành Cơ yếu. Sau 2 năm đào tạo, tháng 3/1975, anh được biên chế vào Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 206 Tăng thiết giáp, Quân khu 4, trực tiếp tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Với nhiệm vụ tăng cường cho Bộ Tư lệnh thiết giáp miền Đông Nam Bộ, tham gia chiến đấu cùng Trung đoàn Bộ binh 48, Sư đoàn 320. Hướng tấn công của đơn vị vào thị trấn Tân Uyên - Biên Hòa - Lái Thiêu - Sài Gòn. Điểm nổ súng đầu tiên của đơn vị tại ấp Bình Cơ, Bình Mỹ chiến đấu trực tiếp với Tiểu đoàn 5 Bảo An (quân ngụy).
Trong vai trò của người lính Cơ yếu, ông Sỹ đã cùng đồng đội dịch và truyền tải hàng nghìn bức điện của cấp trên tới chỉ huy của đơn vị, trong đó có những bức điện thượng khẩn, tối khẩn. Công việc giải mã thông tin đòi hỏi phải nhanh, chính xác 100%, không được phép sai sót, đặc biệt là thông tin chỉ đạo của cấp trên đến với đơn vị đang chiến đấu tại mặt trận và báo cáo kịp thời tình hình chiến trường để có phương án tác chiến, chiến đấu hợp lý.
Cựu chiến binh Nguyễn Tiến Sỹ kể lại: “Một trong những kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời làm cơ yếu của tôi là cùng với đồng chí Nguyễn Văn Thái dịch bức điện khẩn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với nội dung: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam...” trong lúc đơn vị đang tiến quân về Sài Gòn. Bức điện khẩn được truyền đạt đến chỉ huy, các chiến sĩ đang chiến đấu trên các mặt trận. Mệnh lệnh đó như động lực, kim chỉ nam cho các cánh quân của ta giải phóng miền Nam. Cao điểm có ngày quân ta giải phóng 5 - 7 tỉnh, ngụy quân phải bỏ mũ, thay quần áo, kéo nhau tháo chạy thoát thân”.
Thực hiện mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam, các cánh quân của ta đã đồng loạt tấn công thần tốc, tiến về Sài Gòn. Đến trưa ngày 30/4/1975, quân ta tiến vào Dinh Độc Lập, chính quyền ngụy tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.
Hậu phương với tiền tuyến miền Nam
Với vai trò hậu phương đối với tiền tuyến lớn, quân và dân các dân tộc tỉnh Điện Biên ra sức khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa, xây dựng cơ sở vật chất, tích cực chi viện cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam. Với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” và “Đáp lời tiền tuyến gọi, hậu phương sẵn sàng”, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo lực lượng vũ trang và nhân dân các dân tộc thực hiện cuộc vận động: Toàn dân chi viện tiền tuyến, với tinh thần thóc thừa cân, quân thừa người. Khắp các địa bàn từ vùng thấp đến vùng cao sôi nổi phong trào tòng quân, chi viện. Có gia đình đã tiễn đến người con thứ 3, thứ 4 ra trận. Nhiều nam nữ thanh niênhoãn ngày cưới, ngày nhập học vào các trường chuyên nghiệp để lên đường nhập ngũ. Tính riêng năm 1974, số người nhập ngũ của huyện Điện Biên vượt chỉ tiêu 40%; Tuần Giáo, Mường Lay vượt 20%; Tủa Chùa đạt 100%. Thanh niên các dân tộc Điện Biên đều hứa quyết tâm làm tròn nhiệm vụ, xứng đáng với lòng tin của nhân dân. Theo thống kê, trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, nhân dân các dân tộc và lực lượng vũ trang tỉnh đã chi viện cho chiến trường miền Nam 9.274 thanh niên, cán bộ.
Cùng với việc chi viện cho triến trường miền Nam, trên mặt trận chống chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ tại miền Bắc, quân và dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh đã anh dũng đánh trả 648 trận, phối hợp bắn rơi tại chỗ 14 máy bay phản lực, bắn bị thương 45 chiếc. Đặc biệt nhiều nơi dân quân du kích đã dùng súng bộ binh độc lập bắn rơi, bắn bị thương máy bay phản lực của Mỹ như: Dân quân xã Thanh An, huyện Điện Biên; dân quân xã Búng Lao, huyện Tuần Giáo (nay thuộc huyện Mường Ảng). Những người phụ nữ đầu tiên của Điện Biên đã trực tiếp cầm súng bắn máy bay Mỹ, như: Lò Thị Ún, Lò Thị Oi, Quàng Thị Son...
Trong 3 năm (1973 - 1975) tỉnh Điện Biên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hậu phương đối với tiền tuyến lớn. Phát huy tinh thần chiến thắng, Đảng bộ tỉnh tiếp tục lãnh đạo thực hiện triệt để chính sách hậu phương quân đội, góp phần xây dựng quân đội nhân dân ngày càng vững mạnh. Các cơ quan quân sự, bộ đội địa phương được củng cố về mọi mặt, nâng cao chất lượng, sức chiến đấu, hăng hái tham gia xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa, phát huy vai trò xung kích trong lao động sản xuất, định canh định cư, hợp tác hóa nông thôn.