Nghi thức diễu binh, diễu hành tại lễ Tổng duyệt kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Ảnh: C.T.V
Không sợ hi sinh
50 năm đã qua nhưng ký ức về trận đánh Buôn Ma Thuột - trận mở màn thắng lợi cho Chiến dịch Tây Nguyên, tạo bước ngoặt lịch sử, quan trọng cho Đại thắng mùa Xuân 1975 vẫn in đậm trong tâm trí CCB Đồng Đức Vinh, hiện sống tại phường Nam Thanh, TP. Điện Biên Phủ.
Tháng 6/1972, thanh niên Đồng Đức Vinh, quê ở xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân (tỉnh Hà Nam) tròn 19 tuổi, tình nguyện lên đường nhập ngũ. Sau gần 2 năm chiến đấu ở chiến trường Lào, đầu năm 1974, đơn vị rút về huyện Thanh Chương (tỉnh Nghệ An) tiếp tục huấn luyện. Đến tháng 2/1975, Đồng Đức Vinh được biên chế vào Đại đội 3, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 98, Sư đoàn 316 hành quân vào chiến trường miền Nam.
Ông Vinh nhớ lại: “Hồi đó, chúng tôi chỉ biết lên xe vào Nam chiến đấu, nhưng không rõ chiến dịch nào? Mãi đến đầu tháng 3/1975, sau hơn một tháng hành quân, mới biết mình sẽ tham gia Chiến dịch Tây Nguyên, trực tiếp chiến đấu giải phóng Buôn Ma Thuột”.
Khoảng 2 giờ sáng, ngày 10/3/1975, nhận lệnh tổng tiến công, quân ta đồng loạt nổ súng tấn công TX. Buôn Ma Thuột. Đến trưa ngày 11/3, các đơn vị thuộc Sư đoàn 316 đã hoàn toàn làm chủ thị xã. Tuy nhiên, sân bay Hòa Bình - vị trí phòng thủ cuối cùng vẫn bị địch chiếm giữ. Ngày 14/3/1975, Trung đoàn 98 được lệnh tăng cường cùng các lực lượng, mở đợt tiến công quyết liệt nhằm giải phóng sân bay Hòa Bình.
Sân bay Hòa Bình lúc bấy giờ được quân địch xác định là cứ điểm quan trọng nên phòng ngự vững chắc. Bao quanh sân bay bố trí 5 - 7 lớp thép gai phòng ngự, xen giữa là bãi mìn, lớp tường đất bao quanh căn cứ đắp cao và dày, các lô cốt và ụ súng cũng được bố trí ngay trong tường đất.
Ông Đồng Đức Vinh nhớ lại: “Xung quanh là hàng rào dây thép gai dày, trên không máy bay địch trút bom dữ dội, dưới đất hầm ngầm liên tục nhả đạn. Bộ đội ta thương vong nhiều. Tôi cũng suýt hi sinh khi một viên đạn sượt qua tai. Nhưng với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, tôi cùng đồng đội vẫn lao lên. Nhận được sự yểm trợ, tôi và hai chiến sĩ nữa áp sát hàng rào, dùng kìm cắt dây thép gai, mở đường cho bộ binh xung phong. Ngày 17/3, sân bay Hòa Bình chính thức được giải phóng”.
Sau Chiến dịch Tây Nguyên, đơn vị ông Vinh tiếp tục hành quân về phía Nam. Ngày 26/4/1975, đơn vị ông có mặt tại TX. Trảng Bàng (Tây Ninh), phối hợp cùng các lực lượng tham gia giải phóng địa phương này.
Ông Vinh kể lại: “Lúc ấy, ở khắp các mặt trận, địch đã tan rã, tháo chạy hỗn loạn. Quân ta thừa thắng truy kích, tiến công thần tốc. Đến trưa 30/4, khi nhận tin địch tuyên bố đầu hàng, miền Nam hoàn toàn giải phóng, chúng tôi ôm chầm lấy nhau, vỡ òa trong niềm vui sướng khôn tả - đất nước đã thống nhất!”.
Trân trọng giá trị hòa bình
“Tự do, hòa bình không phải dễ, có được bây giờ, cố mà giữ!” - đó không chỉ là lời dặn dò của người lính từng vào sinh ra tử, mà còn là niềm tin và kỳ vọng gửi đến thế hệ mai sau. 50 năm sau ngày giải phóng, thế hệ trẻ hôm nay vẫn đang tiếp nối truyền thống vẻ vang của cha ông, nâng niu, giữ gìn và phát huy những giá trị thiêng liêng của hòa bình, độc lập để góp phần dựng xây một đất nước hùng cường, giàu mạnh.
“Để đất nước có được hòa bình, độc lập, phát triển như hôm nay, đã có biết bao chiến sĩ đã ngã xuống, vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Chiến tranh là bi thương, mất mát - điều đó ai cũng biết. Thế nhưng, mỗi khi có dịp, bác vẫn muốn kể lại cho các cháu nghe, để thế hệ mai sau không quên quá khứ oai hùng của dân tộc. Đó cũng là cách bác gửi gắm khát vọng của lớp người đi trước về một đất nước hòa bình, tự lực, tự cường - nơi thế hệ trẻ tiếp nối và viết tiếp giấc mơ Việt Nam hùng cường” - CCB Đồng Đức Vinh chia sẻ.
Mới đây, ngày 19/4, tỉnh ta trang trọng tổ chức buổi gặp mặt tri ân các CCB, cựu thanh niên xung phong, cựu công an nhân dân từng tham gia các chiến dịch giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Các nhân chứng lịch sử đã cùng nhau ôn lại những năm tháng hào hùng, chia sẻ ký ức về một thời hoa lửa không thể nào quên.
Những ký ức ấy không chỉ khiến CCB bồi hồi xúc động, mà còn lan tỏa đến thế hệ trẻ - những đoàn viên, thanh niên có mặt tại buổi lễ lòng biết ơn sâu sắc và niềm tự hào mãnh liệt. Đó là động lực để thế hệ trẻ thêm quý trọng nền hòa bình, độc lập hôm nay và ý thức rõ hơn về trách nhiệm gìn giữ, dựng xây quê hương đất nước.
Em Quàng Hải An, sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Điện Biên xúc động chia sẻ: “Được gặp gỡ, trò chuyện với các CCB là một niềm vinh dự lớn đối với em. Em xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các ông, các bác - những người đã không tiếc máu xương chiến đấu vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, để thế hệ chúng em hôm nay được lớn lên trong hòa bình, được học tập đủ đầy. Em sẽ cố gắng học tập, rèn luyện để mai này góp phần dựng xây quê hương, đất nước ngày càng phát triển, giàu đẹp”.
Những ngày này, Điện Biên nói riêng và cả nước nói chung đang hướng về miền Nam. Cấp ủy, chính quyền các địa phương đẩy mạnh hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa - Uống nước nhớ nguồn” thăm hỏi, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng LLVT nhân dân, thân nhân liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng, CCB và cựu thanh niên xung phong. Những ngọn nến tri ân được đồng loạt thắp lên tại các nghĩa trang liệt sĩ, đài tưởng niệm, khu di tích lịch sử.
Trong thời đại số, thế hệ trẻ Việt Nam đã và đang góp phần làm sống dậy ký ức lịch sử qua những bài viết, hình ảnh, video sáng tạo để kể lại các câu chuyện về hòa bình, lòng biết ơn và niềm tự hào dân tộc theo những góc nhìn mới mẻ, sâu sắc. Những nội dung ấy lan tỏa mạnh mẽ trên các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội như một lời tri ân gửi đến quá khứ oai hùng, đồng thời khẳng định giá trị của hòa bình - cho hiện tại và tương lai.