Với mong muốn ghi nhận đầy đủ thông tin, khách quan của nhân dân về nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, Quốc hội tổ chức lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trong thời gian từ ngày 6/5 - 5/6. Trong khoảng 1 tháng, nhân dân cả nước, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức các ngành nghề, lĩnh vực tham gia đóng góp ý kiến nội dung sửa đổi Hiến pháp bằng nhiều hình thức: trực tuyến, trực tiếp hay tại các cuộc họp, hội nghị… Những ngày qua, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội trong cả nước đã triển khai lấy ý kiến nhân dân, tổng hợp ý kiến góp ý đối với nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013.
Sau sáp nhập đơn vị hành chính, Điện Biên từ 129 xã, phường còn 45 xã, phường. Trong ảnh: Thành phố Điện Biên Phủ. Ảnh: CTV
Tại Điện Biên, việc lấy ý kiến nhân dân không chỉ tại các cuộc họp sinh hoạt thôn, bản mà các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội đều triển khai thực hiện để ghi nhận, tổng hợp ý kiến người dân tham gia. Chỉ trong 3 ngày đầu ra quân, Điện Biên là một trong ba tỉnh dẫn đầu cả nước về tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 qua ứng dụng VNeID với 14.771 người, đạt hơn 3% chỉ tiêu. Tổng hợp bước đầu của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho thấy, cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đồng thuận nội dung sửa đổi, bổ sung Hiến pháp với tỷ lệ cao. Một số ý kiến đề xuất cần thể chế hóa rõ hơn cơ chế kiểm soát quyền lực, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, phát huy đầy đủ vai trò làm chủ của nhân dân ngay từ cơ sở. Nội dung góp ý xoay quanh việc hoàn thiện tổ chức bộ máy chính quyền địa phương trong bối cảnh sắp xếp đơn vị hành chính; bổ sung làm rõ các quy định về quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân; phát huy hơn nữa vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; quy định rõ chức năng, nhiệm vụ các tổ chức chính trị - xã hội khi sửa đổi Hiến pháp liên quan đến luật, điều lệ chuyên ngành…
Sự đồng thuận của người dân đối với nội dung sửa đổi Hiến pháp cho thấy nhân dân tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong cuộc cách mạng sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Sự đồng thuận này có ý nghĩa chính trị đặc biệt, tạo niềm tin, động lực thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới. Vấn đề đặt ra, làm sao để đưa niềm tin của nhân dân thành động lực cụ thể thực hiện thành công mục tiêu đã đề ra trong cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy. Điều này đòi hỏi các cơ quan tham mưu và các địa phương cần xem xét, đề xuất giải pháp phù hợp.
Việc sắp xếp tổ chức bộ máy, sáp nhập đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương hai cấp đang được tỉnh Điện Biên tiến hành khẩn trương theo tiến độ, quy định của Trung ương. Sau sắp xếp sáp nhập, Điện Biên giảm từ 129 đơn vị hành chính cấp xã còn 45 xã, phường (3 phường, 42 xã). Đối với việc bỏ cấp huyện theo Nghị quyết 74/NQ-CP ngày 7/4/2025 của Chính phủ chỉ đạo sẽ kết thúc hoạt động của đơn vị hành chính cấp huyện và tổ chức chính quyền địa phương hai cấp trước ngày 30/6/2025. Như vậy, chính quyền cấp huyện chính thức kết thúc hoạt động từ ngày 01/7/2025. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy, sáp nhập đơn vị hành chính được tiến hành khẩn trương, theo nguyên tắc Trung ương tập trung quản lý vĩ mô, xây dựng thể chế, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đồng bộ; phân cấp, phân quyền cho địa phương theo tinh thần “địa phương quyết định, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. Đồng thời, rà soát, thực hiện phân cấp, phân quyền giữa các ngành, lĩnh vực có liên quan đảm bảo đồng bộ, tổng thể, liên thông, không bỏ sót hoặc chồng lấn, giao thoa nhiệm vụ. Trong quá trình sắp xếp bộ máy, sáp nhập đơn vị hành chính, bỏ cấp huyện yêu cầu không để ngắt quãng công việc; chấn chỉnh tình trạng làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm… Các sở, ngành ở cấp tỉnh đã sáp nhập khẩn trương hoàn thiện quy chế, phân công trách nhiệm rõ người, rõ việc theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất trong xử lý, giải quyết vấn đề, kiến nghị của người dân đặc biệt ở bộ phận tiếp xúc thường xuyên với nhân dân.
Bằng sự đồng thuận, nhân dân tin tưởng rằng, thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy, sáp nhập đơn vị hành chính sẽ chọn đúng người, đúng việc, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Bởi thực tế đã có những hệ lụy khi sử dụng, bố trí cán bộ không đúng tầm, gây mất niềm tin trong nhân dân, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của bộ máy. Trong thời điểm này, việc bố trí, chọn người thay vì cơ cấu, bằng cấp chuyển sang năng lực, sự dám nghĩ, dám làm, trách nhiệm với công việc. Sự đổi mới của cả hệ thống chính trị không chấp nhận cán bộ ngại thay đổi, sợ trách nhiệm không dám làm. Khi đã bố trí đúng người, đúng việc hiệu quả công việc nâng lên, tạo khí thế mới cho sự nghiệp đổi mới toàn diện, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới.
Việc sắp xếp tổ chức bộ máy, sáp nhập đơn vị hành chính sẽ là cơ sở vững chắc cho đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đáp ứng niềm tin, mong đợi của mỗi người dân. Đây cũng là tiền đề, nền tảng quan trọng để Điện Biên thực hiện thành công cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, sáp nhập đơn vị hành chính, xây dựng mảnh đất cực Tây phát triển.
Hà Anh