Chú trọng sắp xếp bộ máy
Sở Dân tộc và Tôn giáo chính thức ra mắt, hoạt động từ ngày 1/3/2025. Sở được thành lập trên cơ sở Ban Dân tộc tỉnh tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo từ Sở Nội vụ; thực hiện chức năng tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý Nhà nước về dân tộc và tín ngưỡng, tôn giáo.
Sở Dân tộc và Tôn giáo hiện có 31 cán bộ, công chức, người lao động. Cơ cấu tổ chức bao gồm: Ban Giám đốc, Văn phòng, Phòng Chính sách dân tộc, Phòng Dân tộc tuyên truyền, Phòng Quản lý tín ngưỡng, tôn giáo. Với nhân lực hiện tại, Sở cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao của giai đoạn này. Tuy nhiên với chức năng, nhiệm vụ rộng, trong bối cảnh chuẩn bị vận hành chính quyền địa phương 2 cấp, dự báo trọng trách của Sở Dân tộc và Tôn giáo nói chung, các cán bộ, công chức nói riêng sẽ thêm nhiều, thêm nặng khi triển khai, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách ở cơ sở, quản lý tín ngưỡng tôn giáo trực tiếp từ cấp tỉnh xuống từng xã (tỉnh có 45 xã sau sáp nhập).
Bắt tay vào công việc, cùng với tiếp nhận bàn giao nhân lực, hệ thống công việc, hồ sơ, sổ sách, Sở Dân tộc và Tôn giáo nhanh chóng tổ chức hội nghị, cuộc họp phân công nhiệm vụ cho các phòng chuyên môn và từng cán bộ phù hợp với chuyên môn, năng lực, sở trường. Ngay sau khi thành lập, Sở ban hành văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các phòng chuyên môn. Việc tạo sự kết nối, tăng cường đoàn kết nội bộ được Ban Giám đốc Sở quan tâm, thông qua việc thường xuyên động viên, khích lệ cán bộ, công chức, người lao động; tạo không khí làm việc cởi mở, năng động và điều kiện thuận lợi để triển khai công việc. Qua đó, các bộ phận, cán bộ, công chức yên tâm công tác.
Phòng Quản lý tín ngưỡng, tôn giáo tiếp nhận từ Sở Nội vụ sang với 5 công chức. Các thành viên nhanh chóng làm quen môi trường mới, tiếp tục thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ được giao, trở thành một “mảnh ghép” không thể thiếu trong ngôi nhà chung Sở Dân tộc và Tôn giáo. Ông Lò Văn Phong, Trưởng phòng Quản lý tín ngưỡng, tôn giáo chia sẻ: “Nắm rõ và đồng thuận cao với chủ trương về sắp xếp, tinh gọn bộ máy, lại được Ban Giám đốc Sở tạo điều kiện thuận lợi tiếp cận và làm quen, được anh em đơn vị chia sẻ, hỗ trợ nên cả phòng đều nhanh chóng bắt nhịp. Xác định ở đâu cũng là công việc được tin tưởng giao phó và đúng chuyên môn, sở trường nên chúng tôi đều sẵn sàng nhận, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ”.
Hoạt động đi vào “guồng quay”
Trở thành Sở quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, trước yêu cầu đòi hỏi cao hơn về nhiệm vụ chính trị được giao, lãnh đạo Sở xác định nêu cao tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt khó ngay từ lúc mới thành lập và trong từng nhiệm vụ chuyên môn. Từ đó, hoạt động của Sở Dân tộc và Tôn giáo nhanh chóng đi vào ổn định, dù bàn giao, ra mắt mới nhưng không ngắt quãng, gián đoạn công việc.
Gần 3 tháng qua, Sở đã thực hiện tốt các phần việc theo chức năng, nhiệm vụ. Ông Vũ Văn Công, Phó Giám đốc Sở cho biết: “Năm 2025 là năm cuối thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 1 (2021 - 2025), sau khi thành lập, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thực hiện năm 2025 và phối hợp với Sở Tài chính tham mưu phân bổ nguồn vốn sự nghiệp ngân sách Trung ương đến các đơn vị, UBND các huyện, thị xã để triển khai thực hiện”.
Mới đây Sở đã tham mưu xây dựng báo cáo tổng kết chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 1 (năm 2021 - 2025), đồng thời đề xuất mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn sau. Cuối tháng 4 vừa qua Sở tham mưu UBND tỉnh làm việc với Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đến khảo sát, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại địa bàn.
“Trọng tâm thời gian tới, Sở tiếp tục tham mưu xây dựng, đề xuất mục tiêu, chỉ tiêu để triển khai thực chất, hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn mới 2026 - 2030. Song song với đó tham mưu thực hiện tốt công tác quản lý tín ngưỡng, tôn giáo tại địa bàn theo chức năng nhiệm vụ được giao” – ông Vũ Văn Công cho biết thêm.
Điện Biên là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số, hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo đa dạng, bởi vậy công tác dân tộc, chính sách dân tộc và quản lý Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo có ý nghĩa quan trọng. Nhiệm vụ của những người làm công tác dân tộc - tôn giáo sẽ rất nặng nề, đòi hỏi vừa có tâm, có tầm, sâu sát thực tiễn, gắn bó với đồng bào... Sở Dân tộc và Tôn giáo đi vào hoạt động được kỳ vọng sẽ kịp thời nắm bắt và phản ánh tâm tư, nguyện vọng cũng như yêu cầu chính đáng của nhân dân; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, triển khai chính sách của Đảng, Nhà nước đến với đồng bào dân tộc thiểu số và đồng bào vùng có đạo ngày càng thiết thực, hiệu quả; đồng thời thúc đẩy tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc...
Điện Biên hiện có trên 65 vạn người với 19 dân tộc; trong đó, dân tộc Kinh chiếm 17,38%, dân tộc Mông 38,12%, dân tộc Thái 35,69%, dân tộc Khơ Mú 3,3%... Về tín ngưỡng, tôn giáo, tỉnh hiện có 455 điểm được chấp thuận đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung, thuộc 4 tôn giáo: Phật giáo, Công giáo, Tin lành và Cơ đốc phục lâm Việt Nam. |
Bài, ảnh: Nguyễn Hiền