Xe rước Quốc huy nước CHXHCN Việt Nam tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu
Trân trọng giá trị của hòa bình là điều mà thế hệ hôm nay cần ghi nhớ, và thể hiện bằng việc làm, hành động cụ thể. Dường như không có đất nước nào, dân tộc nào trải qua nhiều đau thương, mất mát như đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Đất nước ta, dân tộc ta đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh, sự chia cắt, bao vây, cấm vận và hoạt động chia rẽ của các thế lực thù địch, mỗi người Việt Nam thấu hiểu và trân trọng giá trị của hòa bình quý nhường nào. Để có được hòa bình hôm nay, biết bao thế hệ cha ông đã ngã xuống, hy sinh xương máu, không ít người không thể trở về sau cuộc chiến; bao người mẹ, người vợ và người thân cạn nước mắt khi con, chồng và người thân không trở về. Chiến đấu giành độc lập, thống nhất đất nước đã có 1,1 triệu người dân Việt Nam ngã xuống, hy sinh; trong đó gần 200.000 hài cốt liệt sĩ chưa được tìm thấy, hơn 300.000 hài cốt liệt sĩ chưa xác định được thông tin. Ngay tại trung tâm tỉnh Điện Biên, Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia A1 nơi an nghỉ của 644 liệt sĩ hy sinh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ mà nhiều phần mộ chưa có thông tin. Đau thương, mất mát lớn nhất phải nhắc tới cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. 9 năm kháng chiến chống Pháp và 21 năm chống Mỹ, biết bao đồng chí, đồng đội, đồng bào đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Họ ngã xuống để đất nước được độc lập, thống nhất, nhân dân được sống trong tự do, hạnh phúc, hòa bình. Hệ lụy, đau thương từ những cuộc chiến tranh đến tận ngày nay vẫn chưa thể khắc phục.
Điện Biên Phủ - mảnh đất ghi dấu kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp cũng tổ chức nhiều hoạt động gặp gỡ, tri ân những người lính, cựu chiến binh, thân nhân liệt sĩ. Cuộc gặp mặt, tri ân kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước được Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức trang trọng với sự tham dự của 260 đại biểu là cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, cựu công an nhân dân là những nhân chứng lịch sử, tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu góp phần làm nên chiến thắng. Trong câu chuyện của những nhân chứng lịch sử xen lẫn khí thế quyết chiến tới cùng là những giọt nước mắt khi đồng đội ngã xuống, thậm chí ngay khi chiến thắng cận kề. Trở về quê hương sau chiến tranh, những thương binh, bệnh binh đã và đang là công dân gương mẫu, đóng góp công sức xây dựng quê hương.Trân trọng giá trị hòa bình, tri ân những người đã ngã xuống, những năm qua, cấp ủy, chính quyền và nhân dân Điện Biên luôn thực hiện tốt hoạt động đền ơn đáp nghĩa, quan tâm chăm sóc gia đình chính sách, người có công. Trong chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát, bằng sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, nhà hảo tâm và chung sức của nhân dân, trên địa bàn tỉnh không còn gia đình chính sách phải sống trong nhà tạm, dột nát.
Trải qua nhiều đau thương mất mát từ những cuộc chiến khốc liệt trong lịch sử, khi được hưởng cuộc sống hòa bình, tự do mỗi chúng ta càng thêm trân trọng giá trị của hòa bình. Cuộc sống hòa bình hôm nay không phải tự nhiên mà có mà được xây dựng và bảo vệ bằng sự cống hiến, hy sinh của biết bao người con đất Việt. Mỗi chúng ta phải sống có trách nhiệm hơn để xứng đáng với những hy sinh, mất mát; thể hiện bằng hành động thiết thực vượt khó khăn, thách thức, giữ vững độc lập, chủ quyền, góp sức xây dựng quê hương, đất nước “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như Bác Hồ mong muốn.
Hà Anh