Theo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Điện Biên, xã Chiềng Sinh mới sẽ được thành lập trên cơ sở hợp nhất các xã: Chiềng Sinh (cũ), Nà Sáy, Mường Thín và Mường Khong. Việc sáp nhập này đồng nghĩa sẽ tinh gọn bộ máy, giảm số lượng vị trí lãnh đạo, quản lý. Một số cán bộ có thể không còn giữ chức vụ hoặc phải bố trí lại công tác, dễ gây tâm tư, băn khoăn trong nội bộ cán bộ, đảng viên. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để tạo sự đồng thuận, ổn định tâm lý cán bộ để thực hiện thành công chủ trương sáp nhập.
Ông Lò Văn Pánh, Chủ tịch UBND xã Chiềng Sinh, huyện Tuần Giáo cho biết: Xã hiện có 19 công chức. Đến nay đã có 3 đồng chí chủ động xin nghỉ hưu sớm tạo điều kiện sắp xếp nhân sự. Tuy nhiên, sự thay đổi khiến không ít cán bộ, kể cả cán bộ trẻ, có biểu hiện dao động. Chúng tôi đã tăng cường tuyên truyền, vận động để ổn định tư tưởng. Với cán bộ trẻ, có năng lực, chính quyền xã đã động viên để họ yên tâm công tác, tiếp tục phấn đấu, không vì sắp xếp mà chùn bước.
Để tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh đã đẩy mạnh quán triệt, tuyên truyền, vận động nhân dân về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, lắng nghe, tổng hợp ý kiến nhân dân. Tổ chức thực hiện lấy ý kiến nhân dân đảm bảo công khai, dân chủ đúng quy định của pháp luật trên cơ sở tổ chức các hội nghị tại thôn, bản, tổ dân phố một cách nghiêm túc, đúng chỉ đạo của cấp trên và quy trình được pháp luật quy định. Việc tổ chức lấy ý kiến do trưởng thôn, bản, tổ dân phố chủ trì, phối hợp cùng trưởng ban công tác mặt trận, với sự tham gia đầy đủ của cán bộ, lãnh đạo xã để tuyên truyền, giải thích, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của nhân dân.
Ông Lường Văn Khánh, Trưởng bản Mển, xã Thanh Nưa (huyện Điện Biên) cho biết: Tại hội nghị, người dân được nghe phổ biến chi tiết về mục tiêu, yêu cầu và lợi ích của việc sáp nhập đơn vị hành chính. Nhân dân đều thể hiện sự tin tưởng tuyệt đối vào chủ trương của Đảng, ủng hộ phương án sáp nhập, kỳ vọng vào một mô hình tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả, phục vụ tốt hơn cho đời sống và phát triển kinh tế - xã hội.
Dù chỉ là một khía cạnh nhỏ, song việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy chính trị cũng ảnh hưởng đến tâm lý của học sinh, sinh viên. Do sau sắp xếp đội ngũ cán bộ dôi dư nhiều nên các em lo ngại việc tinh giản biên chế sẽ giảm cơ hội việc làm trong khối công chức, viên chức sau khi ra trường. Một số học sinh từ bậc THCS đã có xu hướng chọn hướng đi khác, thậm chí tạm dừng học để đi làm, thay vì tiếp tục theo đuổi con đường trở thành cán bộ, công chức. Nhằm định hướng đúng cho học sinh, đặc biệt trong kỳ tuyển sinh lớp 10 năm học 2025 - 2026, các trường THPT trên địa bàn tỉnh đã tích cực triển khai công tác tư vấn tuyển sinh kết hợp tuyên truyền về chủ trương sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Thầy Trần Đăng Khoa, Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Chăn cho biết: Nhà trường đã thành lập các tổ tư vấn tuyển sinh đến tận các trường THCS để tư vấn, hỗ trợ học sinh. Bên cạnh việc phổ biến thông tin, hướng dẫn thủ tục dự thi, nhà trường còn lồng ghép tuyên truyền để học sinh hiểu rõ hơn về ý nghĩa tích cực của việc sắp xếp bộ máy hành chính; đó là bước đi cần thiết để xây dựng nền hành chính hiệu quả, hiện đại, không làm mất đi cơ hội, mà mở ra hướng phát triển mới cho thế hệ trẻ.
Sự đồng thuận trong đội ngũ cán bộ chính là nền tảng tạo nên thành công cho cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy, sáp nhập đơn vị hành chính xây dựng chính quyền địa phương hai cấp. Nhiều cán bộ ở các phòng, ban, cấp huyện trực tiếp bị ảnh hưởng cũng đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao thực hiện chủ trương chung.
Ông Lò Trung Kiên, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Nội vụ huyện Mường Chà chia sẻ: “Tôi và anh em các phòng, ban trong huyện đều hiểu không phải giữ được chức vụ mới là đóng góp, mà ở đâu cần mình, phù hợp với năng lực mình thì đều là cống hiến. Nếu giải thể cấp huyện, tôi được phân công công tác tại xã, tôi cũng sẵn sàng nhận nhiệm vụ, miễn là được làm việc, được tiếp tục phục vụ nhân dân”.
Để công tác tuyên truyền thực sự đi vào chiều sâu, tạo đồng thuận thực chất, tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo các tổ chức đoàn thể, cơ quan truyền thông địa phương tăng cường nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và người dân. Qua đó kịp thời định hướng dư luận, giải tỏa những băn khoăn, lo ngại, đồng thời ghi nhận các ý kiến phản biện để điều chỉnh chính sách phù hợp, linh hoạt. Các địa phương nằm trong diện sáp nhập, việc tổ chức hội nghị, đối thoại, lấy ý kiến nhân dân và đội ngũ cán bộ được thực hiện bài bản, công khai, minh bạch. Các hình thức tuyên truyền được đa dạng hóa: từ họp thôn, bản, sinh hoạt chi bộ, tổ dân phố, đến sử dụng hệ thống phát thanh, truyền hình, mạng xã hội… nhằm đưa thông tin kịp thời, chính xác đến người dân.
Từ thực tế triển khai cho thấy, trong quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy, công tác tuyên truyền, vận động có vai trò hết sức quan trọng. Khi người dân, cán bộ hiểu đúng, hiểu đủ, và được lắng nghe, dù là thay đổi lớn cũng không gây xáo trộn. Ngược lại, nếu để thông tin thiếu đồng bộ, người dân tiếp cận qua tin đồn, qua mạng xã hội không kiểm chứng, dễ dẫn đến hoài nghi, phản ứng, thậm chí chống đối thụ động.
Việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền cùng với cách làm thận trọng, minh bạch và nhân văn như hiện nay, tỉnh Điện Biên đang cho thấy quyết tâm chính trị lớn đi kèm với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về tư tưởng và nhân sự. Và trên hết, chính sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân là “chìa khóa” góp phần vào thành công của cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị.