Là một trong những tấm gương tiêu biểu cho thế hệ “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, trong những ngày tháng Tư lịch sử, ký ức trong cuộc đời người lính lại ùa về trong tâm trí cựu chiến binh Nguyễn Hữu Tình (sinh năm 1953), phường Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ. Năm 1971, khi đang là sinh viên Trường Đại học Tài chính, chàng trai trẻ Nguyễn Hữu Tình đã gác lại giấc mơ giảng đường để xung phong nhập ngũ, dấn thân vào chiến trường ác liệt miền Nam. Biên chế vào Đại đội 12, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 28, Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 Tây Nguyên, ông cùng đồng đội hành quân qua nhiều vùng đất khốc liệt, trong đó có chiến dịch then chốt tại Buôn Ma Thuột - nơi phát pháo đầu tiên mở màn cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Nhắc đến những ngày tháng hào hùng ấy, giọng ông chợt trầm lại: “Tôi vẫn nhớ như in ngày 29/4/1975, đơn vị chúng tôi thần tốc tiến vào Củ Chi. Đến sáng 30/4 thì tham gia giải phóng sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng Tham mưu quân đội Sài Gòn. Cảm giác lúc đó không gì tả nổi, mừng, xúc động và đầy tự hào vì Tổ quốc đã toàn thắng”. Chiến tranh khép lại, ông Tình trở về tiếp tục con đường học tập dang dở, và đến năm 1978 tốt nghiệp, bắt đầu một chặng đường mới - chặng đường kiến thiết quê hương.
Với tinh thần trách nhiệm cao và bản lĩnh của người lính Cụ Hồ, từ năm 1982 ông Nguyễn Hữu Tình công tác tại Sở Tài chính Lai Châu, sau đó là Phòng Tài chính huyện Tuần Giáo. Bằng uy tín và năng lực, ông được tin tưởng giao nhiều trọng trách, từ Phó Chủ tịch đến Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo cho đến khi nghỉ hưu vào năm 2011. Dù ở bất kỳ vị trí nào, ông cũng luôn giữ vững phẩm chất người lính, hết mình vì dân, vì sự phát triển của địa phương.
“Tôi luôn tâm niệm rằng, người lính không chỉ chiến đấu ngoài mặt trận mà còn phải góp phần dựng xây quê hương trong thời bình. Tinh thần “Bộ đội Cụ Hồ” không chỉ là sự dũng cảm, kiên cường mà còn là tinh thần trách nhiệm, giản dị, gần dân và sống vì dân” - ông Tình chia sẻ. Vì vậy, sau khi nghỉ hưu, ông vẫn miệt mài tham gia công tác xã hội, truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ, đóng góp cho khối đại đoàn kết toàn dân và nỗ lực vì một Điện Biên đổi mới, văn minh.
Cựu chiến binh Hoàng Ngọc Thành - người lính từng trực tiếp góp phần trong cuộc Tổng tiến công Mùa xuân 1975 cũng là minh chứng sống động cho tinh thần khát khao phát triển không bao giờ tắt. Trở về sau chiến tranh, với thương tật trong người, ông vẫn không ngừng vươn lên, hòa nhập với cuộc sống thường nhật và trở thành một trong những người đi đầu trong các phong trào tại phường Thanh Trường, TP. Điện Biên Phủ.
“Chúng tôi luôn biết ơn cấp ủy, chính quyền địa phương đã đồng hành, chăm lo cả về vật chất và tinh thần, tạo điều kiện cho thương binh, bệnh binh, gia đình chính sách vượt khó vươn lên” - ông Thành chia sẻ đầy xúc động. Hơn cả những hỗ trợ cụ thể, đó là sự động viên tinh thần để mỗi cựu chiến binh tiếp tục sống có ích, phát huy truyền thống, là chỗ dựa tinh thần cho con cháu, góp phần giữ gìn và lan tỏa những giá trị tốt đẹp của dân tộc.
Trên mảnh đất từng chịu bao đau thương do chiến tranh, giờ đây những người lính năm xưa vẫn đang âm thầm góp sức vào hành trình phát triển. Họ là những tấm gương mẫu mực trong việc chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Họ là những hạt nhân tích cực trong các phong trào thi đua như “Cựu chiến binh gương mẫu”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Những chiến sĩ giải phóng miền Nam năm nào trở về với cuộc sống đời thường vẫn không ngừng tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu nước, truyền thống cách mạng, đấu tranh chống tư tưởng lệch lạc, tiêu cực, góp phần giữ gìn sự trong sạch của bộ máy chính quyền và nền tảng tư tưởng xã hội.
Dù thời chiến hay thời bình, phẩm chất quý báu của “Bộ đội Cụ Hồ” luôn toả sáng. Trở về với cuộc sống đời thường, nhiều CCB không chỉ nhiệt tình đóng góp sức mình gìn giữ bình yên trên từng bản làng của quê hương mà còn tích cực tham gia các phong trào thi đua phát triển sản xuất. Theo thống kê, hiện nay, toàn tỉnh có 42 doanh nghiệp, 12 hợp tác xã, 662 mô hình trang trại, gia trại tổng hợp đem lại thu nhập cao. 5 năm qua (2019 - 2024) đã có 350 hộ cựu chiến binh thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo trong toàn Hội giảm xuống còn 10%, nâng tỷ lệ hộ khá lên 42%. Đặc biệt nhiều Hội cơ sở có 100% hộ gia đình hội viên CCB đã thoát nghèo.
Điện Biên đã và đang từng ngày đổi thay mạnh mẽ với những con đường mới, trường học khang trang, hệ thống hạ tầng được đầu tư đồng bộ, đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Những thành quả ấy không thể thiếu đóng góp thầm lặng của biết bao cựu chiến binh - những người vẫn tiếp tục cống hiến trong thời bình với khát vọng không đổi: Xây dựng quê hương Điện Biên giàu đẹp, văn minh, xứng đáng với truyền thống anh hùng và lịch sử vẻ vang của dân tộc. Dù thời gian có làm nhòa đi vết tích chiến tranh, nhưng tinh thần yêu nước, sự tận hiến và trách nhiệm của những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” mãi là ánh sáng soi đường cho các thế hệ nối tiếp. Họ chính là hiện thân của khát vọng phát triển, hướng đến xây dựng một đất nước hoà bình, hùng cường mà mỗi người con Điện Biên đang từng ngày góp sức để hiện thực hóa.