Bài 1: Gian nan hành trình số hóa
Chuyển đổi số trong ngành Giáo dục và Đào tạo đang từng bước được triển khai, mang theo kỳ vọng nâng cao chất lượng dạy và học. Tuy nhiên, hành trình số hóa này vẫn còn nhiều gian nan, đặc biệt là những thách thức về hạ tầng công nghệ thiếu đồng bộ, thiết bị xuống cấp, cùng với sự thiếu hụt nghiêm trọng về nhân lực có chuyên môn CNTT. Những rào cản ấy đang ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ và hiệu quả thực hiện chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.
Khó về hạ tầng, thiết bị…
Với đặc thù là tỉnh miền núi, biên giới, nhiều vùng sâu vùng xa, quá trình ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa quản lý giáo dục ở Điện Biên vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn. Cơ sở vật chất là một trong những rào cản lớn nhất. Ngành Giáo dục và Đào tạo hiện có 482 trường, trung tâm với 7.294 lớp và 207.233 học sinh, học viên, sinh viên. Hiện nay, toàn ngành có 12.605 máy tính sử dụng cho công tác quản lý, dạy và học. Trong đó còn niên hạn 7.691 máy tính, chiếm tỷ lệ 61%; hiện còn thiếu 5.158 máy tính so với nhu cầu. Nhiều máy tính đã xuống cấp, cấu hình thấp, không đủ khả năng đáp ứng các phiên bản phần mềm mới nhất. Ngoài ra, việc đầu tư cho thiết bị như: Máy chiếu, bảng tương tác, phòng học thông minh vẫn còn hạn chế, chủ yếu do kinh phí đầu tư còn thấp.
Tại nhiều địa phương, đặc biệt là các huyện vùng cao như: Tủa Chùa, Mường Nhé, Mường Chà, Nậm Pồ… khó khăn về cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ chuyển đổi số trong giáo dục vẫn đang là bài toán nan giải. Hầu hết các điểm trường đều thiếu thiết bị công nghệ thông tin như máy tính, máy chiếu, bảng tương tác; nhiều thiết bị hiện có đã cũ, cấu hình thấp, không đáp ứng được yêu cầu cài đặt phần mềm học tập hiện đại.
Ông Ngô Xuân Chiến, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ cho biết: “Ở nhiều điểm trường vùng sâu, giáo viên vẫn phải sử dụng máy tính đời cũ, chạy hệ điều hành lỗi thời. Có những máy chỉ khởi động được phần mềm soạn thảo văn bản, chứ không thể chạy các ứng dụng dạy học trực tuyến. Việc thiếu thiết bị khiến giáo viên rất vất vả khi phải xoay xở để chuẩn bị bài giảng số”.
Mặc dù toàn tỉnh Điện Biên đã đạt tỷ lệ 100% trường kết nối
internet băng thông rộng, nhưng thực tế vẫn còn nhiều điểm trường, đặc biệt ở bậc
tiểu học, chưa được kết nối ổn định. Trong tổng số 1.210 điểm trường, chỉ có
234 điểm có mạng băng thông rộng, 823 điểm phải dùng sóng 4G và 153 điểm
chưa có internet. Điều này gây khó khăn lớn cho việc ứng dụng công nghệ vào giảng
dạy, nhất là các phần mềm học tập và hệ thống quản lý yêu cầu kết nối trực tuyến
ổn định.
…Thiếu về nhân lực
Trong quá trình triển khai chuyển đổi số trong ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên, nguồn nhân lực vẫn đang là một trong những điểm nghẽn lớn nhất. Không chỉ thiếu về số lượng, đội ngũ nhân lực phục vụ cho công tác ứng dụng công nghệ thông tin, vận hành hệ thống quản trị số còn chưa đáp ứng yêu cầu về chất lượng chuyên môn.
Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 15.760 cán bộ, giáo viên các cấp, tuy nhiên chỉ có 307 giáo viên được đào tạo chuyên ngành Tin học, chiếm chưa đầy 2% tổng số. Con số này cho thấy sự chênh lệch nghiêm trọng giữa nhu cầu thực tế và năng lực nhân sự hiện có trong bối cảnh công nghệ ngày càng đóng vai trò then chốt trong quản lý và giảng dạy. Nhiều trường học trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, chỉ có duy nhất một giáo viên Tin học, đồng thời kiêm nhiệm luôn vai trò quản trị hệ thống mạng, hỗ trợ kỹ thuật cho toàn trường, từ cập nhật phần mềm cho đến sửa chữa thiết bị.
Tình trạng “thiếu người - thiếu chuyên môn” đang khiến việc triển khai các nền tảng số gặp không ít trở ngại. Không ít trường học gặp khó trong khâu sử dụng phần mềm quản lý, khai thác kho học liệu số, tổ chức lớp học trực tuyến hay thậm chí là vận hành các thiết bị trình chiếu, bảng tương tác - khi người phụ trách không được đào tạo bài bản về công nghệ thông tin.
Ông Đỗ Văn Sơn, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tuần Giáo chia sẻ: Hiện nay, đơn vị chưa có chuyên viên chuyên trách để tiếp nhận, triển khai các nhiệm vụ về CNTT và chuyển đổi số của cơ quan cũng như trong toàn ngành. Viên chức trưng tập kiêm nhiệm nhiệm vụ chưa được đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về công nghệ thông tin, đặc biệt là lĩnh vực an ninh mạng. Vì vậy, chúng tôi mong muốn các sở, ngành liên quan quan tâm mở các lớp bồi dưỡng chuyên sâu đối với chuyên viên, viên chức thực hiện các nhiệm vụ về CNTT và chuyển đổi số của các cơ quan, đơn vị để nâng cao năng lực công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Đặc biệt, tại cấp học mầm non, việc triển khai chuyển đổi số gần như phụ thuộc hoàn toàn vào sự chủ động học hỏi của giáo viên vì gần như không có giáo viên chuyên trách CNTT. Trong khi đó, nhiều ứng dụng quản lý hiện nay yêu cầu kỹ năng sử dụng phần mềm văn phòng, hệ thống báo cáo trực tuyến, khiến giáo viên mầm non gặp không ít lúng túng.
Bà Lò Thị Thời, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Cơ sở vật chất và trang thiết bị CNTT hiện nay tuy đã có bước đầu đáp ứng nhiệm vụ quản lý, giảng dạy, song nhiều thiết bị đã hết niên hạn sử dụng, cấu hình thấp, không đủ để chạy các phần mềm, hệ điều hành mới. Thêm vào đó, nguồn nhân lực phục trách CNTT tại các đơn vị chủ yếu là kiêm nhiệm, không được đào tạo chuyên sâu và không có chế độ hỗ trợ. Đây là một trở ngại lớn trong việc triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số một cách hiệu quả…”.
Ngoài ra, các phần mềm hiện nay đều được xây dựng trên nền tảng trực tuyến, yêu cầu mạng internet ổn định, nhưng ở nhiều điểm trường thuộc các bản vùng sâu, vùng xa, kết nối mạng vẫn còn rất hạn chế. Điều này không chỉ gây khó khăn trong việc truy cập hệ thống mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thông tin khi dữ liệu không được đồng bộ, an toàn bảo mật đúng chuẩn.
Trong điều kiện thiếu thốn cả về thiết bị và nhân lực, nhiều thầy cô đã không ngừng nỗ lực cập nhật kỹ năng công nghệ, tìm tòi phần mềm hỗ trợ giảng dạy, tự thiết kế bài giảng điện tử để giúp học sinh vùng khó tiếp cận với phương pháp học tập hiện đại. Chuyển đổi số trong ngành Giáo dục không chỉ là cuộc chạy đua với công nghệ, mà còn là hành trình nâng cao chất lượng giáo dục một cách bền vững. Mặc dù còn nhiều khó khăn, đặc biệt là ở khía cạnh nhân lực và hạ tầng, nhưng với sự quyết tâm của toàn ngành từ các cấp quản lý đến từng giáo viên nơi vùng sâu, vùng xa, chuyển đổi số vẫn đang từng bước lan tỏa rộng khắp; góp phần quan trọng vào tiến trình chuyển đổi số trên địa bàn toàn tỉnh.
Bài 2: Biến thử thách thành cơ hội