Học sinh thích thú trải nghiệm lập trình công nghệ AI.
Với chuỗi hoạt động trải nghiệm, thi đấu sáng tạo và chia sẻ từ chuyên gia, Ngày hội AI đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức về AI cũng như khơi dậy niềm đam mê học hỏi, khám phá công nghệ mới cho các bạn trẻ đam mê trí tuệ nhân tạo. Đến với sự kiện, em Đàm Khánh Ly, học sinh lớp 10A10 chuyên Tin, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn không giấu được sự tò mò và háo hức. Lần đầu tiên được trực tiếp trải nghiệm các sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo, Khánh Ly cho biết mình rất ấn tượng với những mô hình robot thông minh và các trò chơi tương tác công nghệ. “Tham gia ngày hội, em thực sự ấn tượng vì được tiếp cận rất nhiều công nghệ tiên tiến và kỹ thuật mới. Điều thú vị nhất với em là cơ hội được trực tiếp trải nghiệm các công cụ AI, được giao lưu với các chuyên gia và bạn bè có cùng đam mê. Em cảm thấy như thế giới công nghệ đang mở ra trước mắt mình” - Ly chia sẻ.
Khi được hỏi về việc ứng dụng AI trong học tập, Đàm Khánh Ly cho biết: “Hiện tại, em thường sử dụng các công cụ AI như ChatGPT để hỗ trợ tra cứu tài liệu, tóm tắt văn bản hoặc luyện tập giải bài. Ngoài ra, em cũng dùng Canva để thiết kế poster, slide thuyết trình cho các bài học nhóm. Những công cụ này giúp em tiết kiệm thời gian và làm cho việc học trở nên sáng tạo, hấp dẫn hơn rất nhiều”.
Cũng giống như nhiều bạn trẻ khác, em Hoàng Quốc Huy, học sinh Trường THCS Thanh Chăn (huyện Điện Biên) rất tích cực trải nghiệm công nghệ trí tuệ nhân tạo tại Ngày hội AI. Với niềm đam mê công nghệ từ nhỏ, Huy xem AI là cầu nối giúp các bạn học sinh tiếp cận kiến thức theo cách mới mẻ, linh hoạt và sáng tạo hơn. Bạn Huy chia sẻ: “AI không chỉ là lý thuyết, mà thật sự đang thay đổi cách chúng em học tập mỗi ngày. Em thường sử dụng các công cụ AI để lập trình thử nghiệm, tạo sơ đồ tư duy... Qua sự kiện này, em càng nhận thấy rõ tầm quan trọng của việc chủ động học hỏi, nghiên cứu để áp dụng AI vào học tập và cuộc sống. Em tin rằng, nếu biết sử dụng hợp lý, AI sẽ trở thành người bạn đồng hành đắc lực của thế hệ trẻ”.
Không chỉ học sinh, đội ngũ giáo viên tại Điện Biên cũng thể hiện tinh thần cầu thị và chủ động tiếp cận với công nghệ mới. Cô Nguyễn Thị Thúy Hằng, giáo viên môn Hóa học Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn cho biết: “Được tham gia Ngày hội AI lần này, bản thân tôi học hỏi được rất nhiều điều bổ ích. Trong giảng dạy, tôi thường xuyên sử dụng ChatGPT để tham khảo nội dung bài giảng, tìm kiếm các ví dụ thực tiễn và đề xuất hoạt động cho học sinh. Đặc biệt, tôi đã áp dụng các đường link video do AI đề xuất để minh họa cho các thí nghiệm hóa học, giúp học sinh dễ hình dung, dễ tiếp cận kiến thức hơn. Ngoài ra, tôi còn sử dụng phần mềm sáng tác nhạc hoặc tạo lời bài hát phục vụ việc ghi nhớ kiến thức hóa học: Đây là một cách rất sáng tạo để học sinh học mà không cảm thấy nhàm chán. Từ phần khởi đầu bài học cho đến phần củng cố kiến thức, các bạn đều có thể tham gia chủ động và vui vẻ”.
Đoàn viên thanh niên tham gia ứng dụng công nghệ AI để sáng tạo các nội dung.
Với vai trò là người trực tiếp tổ chức sự kiện, bà Trần Tố Uyên, Giám đốc Quốc gia của tổ chức STEAM for Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn thông qua sự kiện này, có thể lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa việc ứng dụng AI vào thực tế học tập và giảng dạy. AI không chỉ giúp giáo viên tiết kiệm thời gian thiết kế bài giảng, mà còn cho phép cá nhân hóa quá trình học tập của từng học sinh từ ra đề kiểm tra phù hợp năng lực đến việc hỗ trợ các bạn yếu tiến bộ nhanh hơn”. Theo bà Uyên, AI sẽ không thay thế vai trò của giáo viên, mà trở thành một “trợ lý” hữu ích, đồng hành cùng giáo viên trong hành trình đổi mới giáo dục.
Không dừng lại ở những hoạt động trải nghiệm, Ngày hội AI tại Điện Biên còn là biểu tượng cho quyết tâm chính trị mạnh mẽ của tỉnh trong việc đưa công nghệ hiện đại trở thành một trong những động lực thúc đẩy đổi mới giáo dục, phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng sống cho người dân. Phát biểu tại sự kiện, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô khẳng định: Ngay tại mảnh đất từng ghi dấu chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, hôm nay chúng ta cùng nhau bắt đầu một “trận đánh lớn” mới trong thời đại công nghệ số. Với tinh thần đó, thay mặt Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, tôi trân trọng tuyên bố phát động “Chiến dịch Điện Biên Phủ - Hành trình phủ AI” trên phạm vi toàn tỉnh…
Từ góc nhìn thực tế tại sự kiện, có thể thấy AI đang tạo ra những thay đổi sâu rộng trong giáo dục và nhận thức xã hội. Học sinh được tiếp cận các công cụ học tập hiện đại, phát triển tư duy phản biện và khả năng sáng tạo. Giáo viên được tiếp sức bởi các nền tảng công nghệ mới, giảm áp lực soạn bài, tăng hiệu quả giảng dạy. Cộng đồng được kết nối mạnh mẽ hơn thông qua tinh thần học hỏi, chia sẻ tri thức không ngừng. Từ thực tế đó, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng số cho giáo viên, học sinh và người dân. Mục tiêu là đến năm 2026, 100% người dân trưởng thành có kiến thức cơ bản về số hóa, sẵn sàng tham gia tích cực vào nền kinh tế số.
Đông đảo các bạn trẻ thích thú trải nghiệm công nghệ AI tại các gian hàng.
Ngày hội AI tại Điện Biên không đơn thuần là một sự kiện công nghệ, mà là lời khẳng định rằng dù ở vùng cao, vùng sâu, nơi điều kiện còn nhiều hạn chế, cơ hội học tập và phát triển của thế hệ trẻ vẫn luôn rộng mở nếu có sự đồng hành từ chính quyền, nhà trường và xã hội. Trong kỷ nguyên số, không gian sáng tạo là vô hạn và Điện Biên đang dũng cảm bước những bước đầu tiên để trao cho thế hệ trẻ chiếc chìa khóa mở ra tương lai.