Một chiều muộn cuối tháng Tư, tôi gặp Vừ Kha Say, học sinh lớp 6A1, Trường PTDTBT Tiểu học và THCS xã Na Ư. Em đón khách bằng một nụ cười rụt rè, lễ phép cúi đầu chào “Hello, nice to meet you!”. Đó không phải là lời dạy thuộc lòng, mà là kết quả của hàng trăm giờ tự học.
Vừ Kha Say không biết mặt mẹ, bố em hiện đang thụ án tại trại giam vì dính vào đường dây buôn bán ma túy. Mẹ bỏ sang Trung Quốc, biệt tăm từ lúc em còn đỏ hỏn. Em lớn lên trong sự chở che của ông bà nội, những người đã ngoài 70 tuổi nhưng vẫn còng lưng lên nương để mưu sinh và nuôi Say.
“Lúc nhỏ con hay khóc không có bố mẹ, ông nội bảo: Khóc là không có gì ăn. Giờ con không khóc nữa. Con học để mai này tự kiếm tiền, nuôi lại ông bà” - Say nói, mắt không rời cuốn sách tiếng Anh đã quăn góc.
Không có điện thoại, không mạng internet, trong nhà càng không ai biết tiếng Anh, việc học với Say là hành trình đầy gian nan. Em ghi chép từng từ mới bằng mảnh bìa, dán đầy vách nhà. Khi lên lớp, em tranh thủ nghe thầy cô giảng thật kỹ, rồi mượn thêm sách về tra cứu, học một mình bằng sự kiên trì hiếm có ở tuổi 12.
“Con muốn trở thành thầy giáo dạy tiếng Anh. Con muốn các bạn người Mông sau này không phải khổ như con” - Vừ Kha Say bẽn lẽn chia sẻ.
Thầy Lò Văn Thực, giáo viên phụ trách môn Tiếng Anh của Say từ lớp 3, người theo sát hành trình học tập của em từ tiểu học kể: “Tôi nhiều lần xúc động khi thấy Say lặng lẽ ngồi ở góc lớp, cặm cụi học, không trò chuyện nhiều, nhưng ánh mắt thì sáng lắm. Em không phải học sinh ồn ào, nhưng lại là một trong những đứa học chăm và học có chiều sâu nhất lớp".
Thầy Thực cho biết, mặc dù hoàn cảnh cực kỳ éo le, nhưng em chưa bao giờ xin nghỉ học, trừ khi mưa bão lớn không thể ra khỏi bản. "Thời gian đầu, khi tôi phát hiện ra Kha Say có khả năng học tốt môn Tiếng Anh, cậu bé này vẫn rụt rè lắm, không thích học thêm vào buổi tối, thậm chí nhiều lần em ấy còn trốn đi mỗi khi thấy tôi đến gọi đi học. Nhưng dần dần, Kha Say càng học càng yêu thích môn học này".
Thầy Nguyễn Trọng Sơn, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học và THCS xã Na Ư khẳng định: “Say là học sinh người Mông học tiếng Anh tốt nhất mà tôi từng biết ở khu vực này. Em có năng khiếu, nhưng hơn hết là có nỗ lực phi thường. Không có điều kiện học thêm, không có ai hướng dẫn, nhưng em vẫn vượt qua hàng nghìn học sinh để đoạt nhiều giải cao".
Quả thật, hai năm học vừa qua, Vừ Kha Say đoạt giải Nhất, Nhì, Ba trong kỳ thi Olympic tiếng Anh (IOE) cấp huyện và cấp tỉnh, thậm chí thi vượt lớp với học sinh khối 7 vẫn đạt giải Khuyến khích. Em còn là học sinh tiêu biểu của trường, đạt danh hiệu Cháu ngoan Bác Hồ cấp tỉnh và là đại biểu dự Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn quốc năm 2025.
“Chúng tôi tự hào về em. Say là minh chứng sống động cho việc: hoàn cảnh không phải là rào cản nếu đứa trẻ có ý chí, có ước mơ. Em xứng đáng là niềm cảm hứng cho không chỉ học sinh dân tộc Mông, mà cho cả những người lớn chúng ta” - thầy Sơn nói.
Trong căn nhà nhỏ giữa triền đồi, nơi chẳng có nổi một bóng đèn điện ổn định, Vừ Kha Say vẫn hàng ngày học bài bằng ánh sáng leo lét. Em không mơ làm bác sĩ hay kỹ sư như nhiều đứa trẻ khác, em chỉ muốn làm thầy giáo dạy tiếng Anh, trở về chính ngôi trường của mình, dạy cho những em nhỏ khác của bản Mông biết rằng: Học là con đường để vươn lên.