Nghị định 66/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/5/2025 với việc mở rộng đối tượng hỗ trợ là trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ, không chỉ góp phần nâng cao tỷ lệ trẻ đến lớp mà còn tạo tiền đề vững chắc cho mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non tại địa phương trong những năm tới.
Với mục tiêu khắc phục những bất cập, nâng cao tính công bằng và tiếp cận giáo dục, Nghị định số 66/2025/NĐ-CP quy định chính sách cho trẻ em nhà trẻ, học sinh, học viên ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển, hải đảo đã quy định rõ nội dung hỗ trợ. Trong đó đối tượng được hưởng chính sách, điều kiện, nguyên tắc, mức hưởng, quy trình xét duyệt và cấp phát kinh phí, gạo hỗ trợ đối với trẻ em nhà trẻ, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên và học sinh các trường dự bị đại học rất cụ thể và rõ ràng. Một trong những điểm nổi bật của Nghị định 66 là việc mở rộng diện thụ hưởng chính sách cho trẻ em nhà trẻ bán trú từ 3 tháng đến 3 tuổi - nhóm đối tượng vốn bị bỏ ngỏ trong các chính sách hỗ trợ giáo dục trước đây.
Cô Đinh Thị Phương, Hiệu trưởng Trường Mầm non Phình Giàng, huyện Điện Biên Đông cho biết: Trường hiện có hơn 380 học sinh, trong đó trên 80 em thuộc độ tuổi nhà trẻ đang học tại 16 lớp thuộc 9 điểm bản. Trước đây, nhóm trẻ nhà trẻ bán trú không được thụ hưởng chính sách hỗ trợ nào từ Nhà nước, khiến công tác huy động gặp nhiều khó khăn. Nghị định số 66/2025/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức hỗ trợ 360.000 đồng/tháng tiền ăn trưa cho học sinh độ tuổi nhà trẻ đã thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước; góp phần nâng cao tính công bằng và khả năng tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng. Với chính sách mới này, chúng tôi nghĩ rằng phụ huynh sẽ yên tâm hơn khi cho trẻ độ tuổi nhà trẻ đến trường mà thầy cô cũng thuận lợi trong việc mở rộng diện huy động, góp phần phổ cập giáo dục mầm non, từng bước mang lại công bằng trong tiếp cận giáo dục cho trẻ vùng cao.
Từ lâu, trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ tức từ 3 tháng đến 36 tuổi ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo vốn không được xếp vào diện thụ hưởng các chính sách hỗ trợ học tập từ ngân sách Nhà nước. Sự thiếu vắng chính sách trong giai đoạn đầu đời này từng khiến nhiều cơ sở giáo dục mầm non rơi vào thế khó trong việc huy động trẻ đến trường, đồng thời làm gia tăng khoảng cách tiếp cận giáo dục sớm giữa các vùng miền. Tuy nhiên, Nghị định 66 không chỉ bổ sung nhóm trẻ em nhà trẻ bán trú vào diện được thụ hưởng chính sách giáo dục mà còn quy định mức hỗ trợ cụ thể, rõ ràng. Theo đó, mỗi trẻ em nhà trẻ bán trú được hỗ trợ 360.000 đồng tiền ăn trưa mỗi tháng, áp dụng không quá 9 tháng/năm học. Đây là một bước tiến quan trọng trong chính sách phát triển giáo dục, đặc biệt đối với trẻ em và học sinh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, các xã đặc biệt khó khăn như tỉnh Điện Biên.
Cô giáo Lê Thị Tuyết Hường, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thanh Nưa, huyện Điện Biên chia sẻ: “So với các địa bàn khó khăn trong toàn tỉnh, nhà trường có nhiều thuận lợi hơn trong việc huy động học sinh độ tuổi nhà trẻ ra lớp. Thế nhưng, việc vận động phụ huynh cho con nhỏ đến trường cũng không hề đơn giản. Nhiều trường hợp, giáo viên phải đến tận nhà trao đổi, tuyên truyền và vận động cho con em đến trường mà vẫn chưa đồng thuận. Tuy nhiên, giờ đây, Nghị định 66 có hiệu lực, nhà trường đã có thêm căn cứ để thuyết phục phụ huynh và đảm bảo các điều kiện chăm sóc trẻ tốt hơn. Chính sách sẽ giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho gia đình; đồng thời giúp tăng tỷ lệ chuyên cần ở lứa tuổi vốn dễ bị bỏ sót”.
Trước đây, điều kiện được hưởng chính sách giáo dục vùng khó chỉ áp dụng với trẻ từ 3 tuổi trở lên. Cụ thể, Nghị định số 105/2020/NĐ-CP quy định trẻ mầm non từ 3 - 6 tuổi được hỗ trợ ăn trưa với mức 160.000 đồng/tháng/trẻ thì nay, trẻ em nhà trẻ được hỗ trợ tới 360.000 đồng. Khoản hỗ trợ này được xem là cần thiết vì chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ dưới 3 tuổi đòi hỏi nguồn lực lớn hơn, từ thực phẩm đến điều kiện giữ vệ sinh và an toàn. Sự điều chỉnh mức hỗ trợ này phù hợp với điều kiện thực tế tại địa bàn khó khăn. Chính sách lần này cũng thể hiện sự nhìn xa trông rộng trong hoạch định giáo dục. Thời gian qua, tỉnh Điện Biên nói riêng và các địa phương trong cả nước nói chung đã đạt được thành công lớn trong phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở. Tuy nhiên, việc phổ cập giáo dục mầm non, đặc biệt là từ lứa tuổi nhà trẻ, vẫn còn nhiều trở ngại. Với việc trẻ em trong độ tuổi 3 tháng đến 3 tuổi được thụ hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước, cánh cửa phổ cập giáo dục mầm non dường như rộng mở hơn.
Sau khi Nghị định 66 có hiệu lực, các địa phương trong tỉnh đã triển khai để sớm thực hiện chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với đối tượng thụ hưởng. Ông Đặng Quang Huy, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên cho biết: “Ngành giáo dục huyện đang phối hợp với các trường rà soát lại toàn bộ số trẻ nhà trẻ đủ điều kiện thụ hưởng hỗ trợ. Đồng thời, chúng tôi hướng dẫn các trường lập nhóm trẻ, tổ chức bữa ăn bán trú hợp lý và đảm bảo vệ sinh. Chúng tôi tin rằng, Nghị định 66 sẽ thay đổi diện mạo giáo dục vùng cao chỉ trong vài năm tới, đặc biệt là có thể hướng tới phổ cập giáo dục đối với độ tuổi nhà trẻ…”.
Việc ban hành Nghị định số 66/2025/NĐ-CP không chỉ là một chính sách hỗ trợ giáo dục đơn thuần, mà còn thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với nhóm trẻ mầm non của đất nước, quyết tâm không để trẻ em vùng khó khăn bị bỏ lại phía sau. Hơn thế là trẻ em nhà trẻ - những em bé nói chưa rõ, chưa tự xúc cơm; giờ đây đã chính thức được nhìn nhận như một phần quan trọng trong chiến lược phát triển giáo dục dài hạn của đất nước. Trong từng ánh mắt hồn nhiên đang được nuôi dạy ở những bản làng xa xôi, một tương lai tốt đẹp đang dần hình thành, mở ra một sự khởi đầu bằng những bữa cơm trưa được Nhà nước hỗ trợ, và một tấm lòng đầy trách nhiệm với thế hệ mầm non tương lai.