Xác định giai đoạn con bước vào lớp 1 là giai đoạn chuyển quan trọng đầu tiên trong hành trình học tập, gia đình chị Trịnh Thị Ngọc, xã Thanh An khá lo lắng vì trên địa bàn xã không có nhiều lớp tiền tiểu học hoặc các lớp học chữ cơ bản, việc dạy con viết chữ, làm quen con số hầu như do gia đình hướng dẫn. Chị Ngọc chia sẻ: “Con tôi năm nay 6 tuổi rưỡi, chuẩn bị vào lớp 1. Tôi muốn con viết tốt, muốn cho con học nhóm, học thêm phải đưa lên các trung tâm luyện chữ cách nhà hơn 10km, xa và không tiện… Sợ con không bắt kịp các bạn khi vào năm học mới, khiến gia đình phải đắn đo, suy nghĩ nhiều”.
Không chỉ riêng chị Ngọc, nhiều phụ huynh ở vùng xa trung tâm cũng lo lắng khi cho con chuẩn bị vào lớp 1. Họ băn khoăn về khoảng cách địa lý khiến việc học hành trở nên bất tiện, mà còn chịu áp lực lớn về chi phí học tập như: Tiền học thêm, đi lại, sách vở... khiến hành trình đến lớp của con em trở nên đầy khó khăn.
Ở một khía cạnh khác, chị Nguyễn Thị V., xã Quài Tở cũng băn khoăn với quyết định chọn trường cho con trai mình. Trường tiểu học tại xã tuy có đủ lớp học nhưng chất lượng giảng dạy không bằng các cơ sở giáo dục tại trung tâm xã. Chị mong muốn con được học tại một trường có điều kiện tốt hơn về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên giàu kinh nghiệm. Tuy nhiên, vì quy định phân tuyến địa lý, con chị không nằm trong diện được xét tuyển vào trường ở trung tâm. Để lo cho con có môi trường học tập tốt hơn, chị đã nghĩ đến việc làm thủ tục tạm trú hoặc chuyển hộ khẩu, nhưng mọi thứ đều rối rắm và chưa có giải pháp rõ ràng. Việc cho con học đúng tuyến thì lo chất lượng, mà học trái tuyến lại không đáp ứng yêu cầu của ngành Giáo dục và Đào tạo...
Chị V. chia sẻ: “Gia đình tôi cũng có suy nghĩ như nhiều phụ huynh khác, lúc nào cũng muốn con mình học tập ở môi trường tốt hơn, nhất là giai đoạn lớp 1. Nhưng nếu đưa con lên trung tâm cũng phải nghĩ đến chuyện chuyển hộ khẩu, thủ tục và sự mất cân đối về sĩ số giữa các nhà trường. Điều đó khiến chúng tôi phải tính toán kỹ lưỡng trước khi vào năm học mới”.
Không chỉ ở các xã vùng cao hay vùng nông thôn, tại các điểm trung tâm xã, phường, những lo lắng của phụ huynh cũng khá phức tạp. Gia đình chị Nguyễn Thu Hà, phường Điện Biên Phủ có con trai nhỏ chuẩn bị vào lớp 1 nhưng cũng canh cánh nỗi lo vì con khá hiếu động và mải chơi. “Khi còn ở lớp mầm non, cháu thích các trò chơi vận động, ít chú ý đến bài vở hay luyện chữ. Tôi sợ rằng khi bước vào môi trường tiểu học với thời khóa biểu cố định, yêu cầu viết chữ, làm bài tập, ngồi ngay ngắn nhiều giờ, cháu sẽ bị bỡ ngỡ, chán học hoặc tụt lại phía sau” - chị Hà bày tỏ.
Dù ở các hoàn cảnh khác nhau, điểm chung của các phụ huynh là sự lo lắng về khả năng tiếp thu, thích nghi và hòa nhập của con cái khi chuyển từ môi trường mầm non sang bậc tiểu học. Họ mong muốn con mình có nền tảng tốt để bắt đầu hành trình học tập, nhưng lại gặp nhiều rào cản về điều kiện địa lý, kinh tế, chính sách giáo dục cũng như đặc điểm tâm lý của trẻ nhỏ. Trong khi một số phụ huynh như anh Trường chọn cách tự dạy con ở nhà, thì nhiều người khác cố gắng tìm kiếm lớp học thêm, các khóa luyện chữ, luyện kỹ năng tiền tiểu học, dù điều đó đôi khi vượt ngoài khả năng tài chính của gia đình. Thực tế hiện nay trên địa bàn tỉnh, nhiều trung tâm luyện chữ có tổ chức các lớp chuẩn bị vào lớp 1 trong khoảng một tháng trước khai giảng chính thức. Tuy nhiên, các lớp này không phổ biến ở vùng sâu, vùng xa và không phải phụ huynh nào cũng có thông tin hoặc khả năng cho con theo học. Trong khi đó, việc học trực tuyến hay sử dụng các phần mềm học tập là giải pháp chưa phổ biến rộng rãi, cũng không dễ thực hiện tại những nơi sóng yếu, không có thiết bị công nghệ hoặc phụ huynh còn hạn chế chưa thể tiếp cận công nghệ.
Một số trường học đã chủ động liên kết với giáo viên mầm non để tổ chức các buổi hướng dẫn cha mẹ chuẩn bị tâm lý cho con vào lớp 1, nhưng quy mô vẫn nhỏ và chưa được nhân rộng. Nhiều phụ huynh mong muốn các cơ quan chức năng có chính sách linh hoạt hơn trong việc xét tuyển học sinh vào trường theo nguyện vọng, đặc biệt là các trường trung tâm có chất lượng giảng dạy tốt. Bên cạnh đó, việc đầu tư cho các trường vùng xa cả về cơ sở vật chất lẫn đội ngũ giáo viên cũng là điều cần thiết để tạo sự công bằng trong giáo dục.
Hành trình bước vào lớp 1 không chỉ là thử thách đối với trẻ mà còn là nỗi băn khoăn lớn của nhiều bậc phụ huynh. Mong muốn con có khởi đầu thuận lợi, được học tập trong môi trường tốt nhất là điều chính đáng. Để làm được điều đó, cần có sự chung tay từ gia đình, nhà trường và chính quyền, tạo điều kiện để mỗi đứa trẻ đều được tiếp cận nền giáo dục công bằng, nhân văn.