Sáng thứ 2 đầu tuần, khi Cơ sở cai nghiện ma túy vẫn còn tĩnh lặng trong làn sương sớm, những âm thanh ngập ngừng, gượng gạo vọng ra từ căn phòng nhỏ, nơi 40 học viên đang chăm chú tập đọc, tập viết. Phía góc lớp, học viên 34 tuổi vẫn mải miết lần từng nét chữ. Đó là Lường Văn Phi, quê ở phường Mường Lay.
“Ở tuổi này mà còn phải tập đọc, tập viết, nhiều lúc tôi thấy xấu hổ lắm. Nhưng nhìn quanh, thấy ai cũng cố gắng, tôi tự nhủ thà muộn còn hơn không bao giờ...” - Lường Văn Phi ngập ngừng, ánh mắt nhìn xuống tấm bảng đen còn dang dở những dòng chữ nguệch ngoạc.
“Có người vừa học vừa
rưng rưng nước mắt, có người ban đầu không dám giơ tay phát biểu vì sợ sai.
Mình phải động viên từng chút, lấy sự kiên nhẫn, thấu hiểu làm gốc, làm nền tảng
để học viên dám học, dám sửa, dám tiến bộ...” - thầy Hiệp tâm sự.
Nói lớp xóa mù chữ ở Cơ sở
cai nghiện ma túy là lớp học đặc biệt cũng không quá. Đặc biệt không những bởi
học viên là người nghiện mà giáo án giảng dạy của lớp cũng được thiết kế riêng,
phù hợp với trình độ và tâm lý của người trưởng thành, nhất là với những người
đã rời xa con chữ quá lâu. Hơn nữa, mỗi bài học trên lớp cũng được sử dụng hình
ảnh minh họa trực quan, ví dụ gần gũi, tăng cường thực hành và giao tiếp để học
viên dễ tiếp thu, không bị áp lực. Cách truyền đạt nhẹ nhàng, kiên nhẫn và
khích lệ khiến những học viên chưa từng cầm phấn, cầm bút cũng dần quen với con
chữ, dãy số.
“Đây là lần đầu tiên
chúng tôi phối hợp với ngành Giáo dục xây dựng một mô hình giảng dạy bài bản,
có giáo viên chuyên trách, giáo trình phù hợp và tài liệu riêng. Trong môi trường
đặc thù như thế này, mỗi tiết học đều mang ý nghĩa rất lớn, tiếp thêm động lực
và là bước đệm để học viên thay đổi và làm lại cuộc đời...” - Đại úy Trần Anh
Ninh chia sẻ.
Lớp học xóa mù chữ tại Cơ
sở cai nghiện ma túy tỉnh chính thức khai giảng từ ngày 4/7/2025, theo chương
trình phối hợp giữa Công an tỉnh và Sở Giáo dục và Đào tạo. Mỗi lớp dự kiến kéo
dài từ 6 -
12 tháng, tùy khả năng tiếp thu của học viên.Hiện tại, Cơ sở có 86/535 học viên
không biết chữ, phần lớn là người dân tộc thiểu số, tuổi đời từ 35 trở lên. Theo
kế hoạch giảng dạy, học viên được bố trí học vào các buổi sáng và chiều, mỗi tuần
3 buổi, đan xen với thời gian lao động trị liệu và các hoạt động phục hồi chức năng. |