Em Quàng Thị Hà, lớp 12B, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT huyện Điện Biên vừa tham gia kỳ thi năng khiếu ngành Giáo dục mầm non của Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên. Đứng trước ngưỡng cửa tương lai với nhiều lựa chọn, Hà chia sẻ: “Em yêu trẻ em, thích làm việc trong môi trường có nhiều trẻ nhỏ nên từ lâu đã mong ước trở thành giáo viên mầm non. Gần đây em thấy ngành này ngày càng được quan tâm, đề xuất nhiều ưu đãi về tuổi hưu và chế độ, chính sách nên em càng kiên định, quyết tâm lựa chọn. Ngoài Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên, đến thời điểm xét tuyển cao đẳng, đại học, em dự định nộp nguyện vọng ngành giáo dục mầm non của Trường Sư phạm Hà Nội 2 và Đại học Tây Bắc nữa”. Để đạt được ước mơ ấy, Hà đang tích cực ôn luyện, chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, nhất là những môn trong tổ hợp xét tuyển.
Tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT huyện Điện Biên, qua khảo sát của nhà trường, có 27 học sinh dự định xét tuyển khối mầm non các trường cao đẳng, đại học, chủ yếu là: Cao đẳng Sư phạm Điện Biên, Đại học Tây Bắc, Đại học Sư phạm Đại học Thái Nguyên, Đại học Sư phạm Hà Nội 2. Thầy Lương Đình Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Hàng năm, nhà trường đều có nhiều hoạt động tư vấn, hướng nghiệp, lựa chọn ngành nghề cho các em phù hợp với nhu cầu xã hội, năng lực, sở trường, hoàn cảnh. Qua sự định hướng của thầy cô cùng gia đình và mong muốn bản thân, những năm trước, mỗi năm có vài học sinh có nguyện vọng theo ngành sư phạm mầm non, năm nào nhiều thì hơn 10 em. Riêng năm nay, trường có đến 27 em dự định nộp hồ sơ dự tuyển ngành này”.
Năm học này, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT huyện Tuần Giáo có nhiều học sinh có nguyện vọng theo học ngành sư phạm mầm non. Thầy Cao Văn Bằng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Qua khảo sát các lớp 12, hiện trường có gần 30 em có mong muốn, dự định tham gia xét tuyển ngành giáo dục mầm non các trường đại học, cao đẳng khác nhau tùy vào năng lực. Con số này tăng hơn 2 lần so với mọi năm, những năm trước chỉ có khoảng chục em dự tuyển ngành này”.
Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên là cơ sở duy nhất của tỉnh Điện Biên có chuyên ngành đào tạo giáo dục mầm non. Chuẩn bị cho mùa tuyển sinh năm học 2025 - 2026, nhà trường đã thông tin rộng rãi về chỉ tiêu, tiêu chí, hình thức, thời gian tuyển sinh. Theo đó, những năm gần đây, mỗi năm Trường chỉ tuyển mới 150 sinh viên ngành giáo dục mầm non, thông qua 2 phương thức xét tuyển, dựa vào kết quả học tập lớp 12 và kết quả thi tốt nghiệp THPT theo tổ hợp. Trước khi xét tuyển, thí sinh bắt buộc phải tham gia thi môn năng khiếu (đọc diễn cảm – hát).
Ngày 11/5 vừa qua, Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên đã tổ chức thành công phần thi năng khiếu với hơn 600 thí sinh đăng ký, tham gia, tăng 150% so với năm trước (năm 2024, có hơn 400 thí sinh đăng ký). Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên, cho biết: “Số lượng thí sinh dự thi năng khiếu năm nay đông hơn đáng kể so với các năm trước. Mặt bằng chất lượng thí sinh khá cao và đồng đều, các em đã hoàn thành tốt phần đọc diễn cảm và hát. Dự báo điểm chuẩn vào ngành giáo dục mầm non của trường năm nay có thể sẽ tăng nhẹ so với năm ngoái”.
Chỉ tiêu thấp, thí sinh đông, bởi vậy chất lượng đầu vào của Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên đang ngày càng nâng lên. Được biết, năm 2023 điểm trúng tuyển xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT của trường là 22, theo kết quả xét tuyển lớp 12 là 24 điểm. Năm 2024, xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT là 22,5, xét tuyển theo kết quả học tập lớp 12 THPT là 24,75 điểm. Mặc dù tỉ lệ chọi và dự báo điểm xét tuyển tiếp tục tăng trong năm nay nhưng ngành sư phạm mầm non vẫn có sức hút lớn tại địa bàn.
Lý giải về việc này, Hiệu trưởng Nguyễn Thị Tuyết Mai cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn thiếu biên chế giáo viên mầm non theo định mức. Hàng năm các huyện vẫn có chỉ tiêu tuyển giáo viên mầm non. Hơn nữa, theo học ngành này tại trường, các em được hỗ trợ theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt 3,63 triệu đồng/tháng, giúp giảm gánh nặng, tạo điều kiện học tập cho các em có hoàn cảnh khó khăn”.
Cùng với chế độ chính sách trong đào tạo, thì giáo viên mầm non đang ngày càng được quan tâm, tạo điều kiện. Đặc biệt, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến dự thảo nghị định quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức, người lao động công tác trong các cơ sở giáo dục công lập. Trong đó đề xuất giáo viên mầm non được nghỉ hưu sớm và tăng phụ cấp ưu đãi từ 35% lên 45% ở vùng thuận lợi và lên 80% ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Thực tế ở nhiều địa phương trong tỉnh vẫn thiếu giáo viên mầm non. Đầu năm học 2024 - 2025, giáo dục mầm non có 4.879 người; trong đó, 3.832 giáo viên, thiếu 915 giáo viên so với định mức. Việc các em có mong muốn, nguyện vọng theo học giáo dục mầm non, cống hiến cho giáo dục vùng cao là điều tốt đẹp, tuy nhiên cũng cần căn cứ rõ tình hình thực tế, nhu cầu địa bàn, phù hợp với năng lực bản thân, không chạy theo trào lưu.