Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào (điểm sàn) đối với các ngành đào tạo giáo viên năm 2025. Theo đó, mức điểm sàn đối với ngành sư phạm trình độ đại học là 19 điểm. Riêng các ngành Giáo dục thể chất, Sư phạm âm nhạc và Sư phạm mỹ thuật có điểm sàn là 18 điểm đối với tổ hợp 3 môn văn hóa. Các tổ hợp khác sẽ thực hiện theo quy định của Quy chế tuyển sinh hiện hành. Đối với hệ cao đẳng, ngành Giáo dục mầm non có mức điểm sàn là 16,5 điểm (áp dụng cho tổ hợp 3 môn văn hóa).
Trên cơ sở đó, ngày 23/7/2025, Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên chính thức công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển vào ngành Giáo dục mầm non năm 2025. Theo đó, ngưỡng điểm nhận hồ sơ là 16.5 điểm, áp dụng cho tất cả tổ hợp môn, bao gồm điểm 2 môn văn hóa, điểm thi năng khiếu và điểm ưu tiên (nếu có). Mức điểm này được xác định căn cứ vào Quyết định số 2099/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc đảm bảo chất lượng đầu vào cho các ngành đào tạo giáo viên.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên, Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh năm 2025 cho biết: Ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào khối ngành sư phạm năm 2025, nhà trường đã ban hành thông báo về mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển ngành Giáo dục Mầm non. Việc công bố điểm sàn nhằm bảo đảm chất lượng đầu vào, đồng thời giúp nhà trường chủ động xây dựng phương án tuyển sinh phù hợp.
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, trong 3 năm gần đây, tỷ lệ học sinh đăng ký xét tuyển vào nhóm ngành đào tạo giáo viên có xu hướng tăng so với các nhóm ngành khác. Mỗi năm, khoảng 650 thí sinh trúng tuyển vào ngành sư phạm. Trong đó, trình độ đại học chiếm khoảng 500 sinh viên, còn lại là 150 sinh viên theo học ngành Giáo dục mầm non trình độ cao đẳng tại Trường Cao đẳng Sư phạm Điện Biên. Số lượng sinh viên ngành sư phạm hiện chiếm khoảng 30% tổng số sinh viên trúng tuyển vào các ngành học khác nhau trong tỉnh. Qua theo dõi kết quả tuyển sinh đại học trong 3 năm qua, các ngành có số lượng thí sinh trúng tuyển nhiều nhất trong nhóm ngành sư phạm là Giáo dục mầm non, Giáo dục tiểu học và các ngành thuộc nhóm khoa học xã hội. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy ngành sư phạm đang từng bước thu hút trở lại sự quan tâm của học sinh sau thời gian dài "giảm nhiệt".
Giải thích về nguyên nhân xu hướng tăng học sinh lựa chọn ngành sư phạm những năm gần đây, bà Hoàng Tuyết Ban, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Xu hướng học sinh lựa chọn ngành sư phạm ngày càng tăng là kết quả của nhiều yếu tố tích cực, trong đó có sự điều chỉnh linh hoạt trong công tác tuyển sinh và các chính sách ưu đãi của Nhà nước. Hiện nay, các trường sư phạm triển khai nhiều phương thức xét tuyển với tổ hợp môn đa dạng, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đăng ký xét tuyển. Việc mở rộng cơ hội trúng tuyển giúp ngành sư phạm tiếp cận nhiều đối tượng học sinh có năng lực và đam mê với nghề giáo.
Bên cạnh đó, theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ, sinh viên ngành sư phạm được miễn học phí và được hỗ trợ sinh hoạt phí hằng tháng với mức 3,63 triệu đồng, góp phần giảm đáng kể gánh nặng tài chính cho gia đình. Đây là cơ hội để nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhưng có học lực tốt được tiếp cận giáo dục đại học, hiện thực hóa ước mơ giảng đường. Đặc biệt, thời gian tới, Luật Nhà giáo có hiệu lực, lương của nhà giáo sẽ được xếp ở mức cao nhất trong hệ thống lương hành chính sự nghiệp, cùng với các khoản phụ cấp ưu đãi nghề. Chính sách này là động lực quan trọng, góp phần gia tăng tỷ lệ học sinh đăng ký vào ngành sư phạm trong năm 2025 và các năm tới.
Trong bối cảnh hiện nay, ngành Giáo dục và Đào tạo chưa có chính sách đặc thù thu hút học sinh giỏi vào ngành sư phạm. Tuy nhiên, để thu hút học sinh người dân tộc thiểu số học đại học nhóm ngành sư phạm, từ năm 2021 đến nay, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu UBND tỉnh trình Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt chỉ tiêu đào tạo cử tuyển ngành sư phạm đối với học sinh người dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn. Theo đó, người học đạt 19 điểm trở lên (tổ hợp 3 môn xét tuyển) trong kì thi tốt nghiệp THPT đủ điều kiện vào đại học hệ cử tuyển. Sinh viên cử tuyển sau tốt nghiệp sư phạm được ngành giáo dục bố trí việc làm tại các cơ sở giáo dục trong tỉnh.
Thực tế, ở bất kỳ thời đại nào, chỉ khi có đội ngũ nhà giáo giỏi mới có thể đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng. Việc ngành Giáo dục và các địa phương quan tâm, đầu tư chính sách để thu hút người tài vào ngành sư phạm đang mang lại những tín hiệu tích cực. Đặc biệt Quốc hội thông qua Luật Nhà giáo, trong đó xác định mức lương nhà giáo cao nhất trong khối hành chính sự nghiệp. Theo dự thảo Nghị định quy định về chính sách tiền lương và phụ cấp, giáo viên mầm non và phổ thông sẽ được áp dụng hệ số lương đặc thù từ 1,3 đến 1,6 lần so với thang lương hành chính sự nghiệp hiện hành. Đây sẽ là chính sách mở ra cơ hội lớn trong việc thu hút học sinh giỏi, học sinh dân tộc thiểu số theo học ngành sư phạm. Cùng với đó, ngành Giáo dục và Đào tạo sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền để học sinh, phụ huynh hiểu rõ các chế độ, chính sách ưu đãi hiện hành. Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai hiệu quả Nghị định 116/2020/NĐ-CP, hỗ trợ học phí, chi phí sinh hoạt cho sinh viên sư phạm, nhằm thu hút và tạo điều kiện cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn theo đuổi nghề giáo.
Những tín hiệu tích cực trong tuyển sinh sư phạm tại Điện Biên không chỉ cho thấy sự chuyển biến về nhận thức nghề nghiệp mà còn khẳng định hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ thiết thực. Để xu hướng này được duy trì bền vững, cần tiếp tục có sự quan tâm đồng bộ từ các cấp, ngành và cơ sở đào tạo nhằm tạo ra những “người lái đò tri thức” thực sự yêu nghề, gắn bó với nghề, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.