Người “thắp lửa” tuổi trẻ vùng cao
Giữa hàng trăm gương mặt xuất sắc trên mọi miền đất nước tại Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc, hình ảnh một nữ thủ lĩnh vùng cao giản dị, điềm tĩnh nhưng kiên cường đã khắc sâu trong lòng nhiều người - đó là Nguyễn Thị Ngọc, Bí thư Huyện đoàn Mường Ảng.
Chia sẻ về vinh dự được
tuyên dương, chị Ngọc xúc động: Tôi không đặt nặng chuyện được khen thưởng, mà
chỉ mong những việc mình làm có thể thực sự đem lại lợi ích thiết thực cho
thanh niên vùng cao. Được đứng trong hàng ngũ những thanh niên tiên tiến toàn
quốc, lại đúng vào ngày sinh nhật Bác Hồ kính yêu, đó là kỷ niệm đáng trân trọng
mà tôi không bao giờ quên.
Gắn bó với công tác Đoàn từ năm 2020, chị Ngọc không chỉ là người tổ chức phong trào mà còn là nguồn cảm hứng cho hàng nghìn đoàn viên thanh niên trong huyện. Với vai trò Bí thư Huyện đoàn kiêm Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện, chị Ngọc đã lan tỏa nhiều mô hình thiết thực. Từ 52 tổ tiết kiệm - vay vốn với tổng dư nợ trên 109 tỷ đồng, hỗ trợ hơn 2.000 hộ thanh niên, đến các đội tình nguyện sưởi ấm bản làng vùng cao. Chị cũng tổ chức những đêm Trung thu ấm áp cho gần 2.000 thiếu nhi, bữa cơm tất niên cho 115 em nhỏ khó khăn và trao 90 suất quà ý nghĩa. Đồng thời, chị tích cực phối hợp tuyên truyền phòng chống tảo hôn, bạo lực gia đình, ma túy, HIV/AIDS... góp phần xây dựng cộng đồng vững mạnh.
“Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng cao, nơi cuộc sống của người dân còn nhiều vất vả. Vì thế, tôi hiểu điều thanh niên nơi đây cần nhất là cơ hội học tập, lập nghiệp, để thay đổi cuộc đời. Tôi chọn công tác Đoàn như một cách gửi gắm niềm tin, đồng hành cùng các bạn trẻ trên hành trình vươn tới ước mơ” - chị Ngọc tâm sự.
Ít ai biết rằng, đằng sau
vẻ điềm tĩnh, mạnh mẽ của người thủ lĩnh Đoàn là một phụ nữ luôn âm thầm gồng
gánh hai vai -
vừa là cán bộ Đoàn tận tụy, vừa là người mẹ, người vợ của một sĩ quan biên
phòng đang công tác nơi biên giới.
“Chồng tôi đóng quân ở xã Na Cô Sa, huyện Nậm Pồ, cách nhà hơn 200km. Có lần tôi sinh con, anh không thể về vì nhiệm vụ. Nhiều người hỏi tôi có thấy thiệt thòi không? Tôi nghĩ, khi cả hai cùng chọn con đường phụng sự, thì sự xa cách đôi khi lại là một phần của hạnh phúc” - ánh mắt chị Ngọc toát lên niềm tự hào.
Với chị Ngọc, học và làm theo Bác không phải là điều gì lớn lao, mà bắt đầu từ việc cố gắng làm tròn bổn phận trong từng vai trò người con của quê hương, cán bộ Đoàn, người vợ, người mẹ trong mái ấm nhỏ. Chính bởi vậy, ở Mường Ảng hôm nay, chị không chỉ là “người thắp lửa” cho phong trào thanh niên, mà còn là ngọn lửa âm thầm truyền hơi ấm, niềm tin và khát vọng cho thế hệ trẻ vùng cao.
Gieo "mầm xanh" trên đồi chè cổ
Nếu Mường Ảng có thủ lĩnh đoàn Nguyễn Thị Ngọc thì ở huyện Tủa Chùa có Nguyễn Mỹ Linh - một nữ doanh nhân trẻ chọn khởi nghiệp với những sản phẩm từ chè Shan tuyết cổ thụ.
Tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp Việt Nam với tấm bằng loại giỏi, Linh có nhiều cơ hội làm việc ở Hà Nội, nhưng cô gái trẻ quyết định trở về quê, thành lập Công ty TNHH Hương Linh, chuyên sản xuất, chế biến chè đặc sản Tủa Chùa. Từ một vùng nguyên liệu ít tên tuổi, song nhờ hướng đi bài bản, sáng tạo và tôn trọng giá trị bản địa, các sản phẩm chè mang thương hiệu Hương Linh đã dần khẳng định vị thế trên thị trường.
Đến nay, 3 sản phẩm chủ lực của công ty đạt chuẩn
OCOP gồm: Diệp Thanh Trà - Trà xanh Shan Tuyết Sính Phình; Diệp Thanh Trà - Trà xanh Shan
Tuyết cổ thụ Tủa Chùa, Diệp Thanh Trà - Bạch trà Mẫu Đơn. Các sản phẩm không chỉ
tiêu thụ tốt trong nước mà còn được xuất khẩu sang Trung Quốc và đang mở rộng
sang các thị trường tiềm năng như:
Hoa Kỳ, Úc. Ngoài ra, 2 sản
phẩm khác là Hồng trà Shan Tuyết và Phổ nhĩ trà đang hoàn thiện hồ sơ
để đăng ký OCOP, hứa hẹn mở rộng hơn nữa dòng sản phẩm từ cây chè cổ thụ quê
nhà.
Không chỉ là một doanh nhân trẻ làm kinh tế giỏi, Nguyễn Mỹ Linh còn đặc biệt chú trọng gìn giữ và lan tỏa bản sắc văn hóa vùng cao qua từng sản phẩm chè Shan tuyết. Chính bởi tâm niệm đó, cô gái trẻ Mỹ Linh không chỉ đầu tư vào chất lượng, mà còn gửi gắm cả văn hóa dân tộc bản địa trong từng sản phẩm, để mỗi gói trà không chỉ là hàng hóa, mà là câu chuyện về đất và người Tủa Chùa. “Tôi muốn những búp chè quê mình không chỉ có giá trị kinh tế, mà còn là niềm tự hào văn hóa. Khi tôn trọng gốc rễ bản địa, sản phẩm tự khắc có giá trị riêng” - Mỹ Linh chia sẻ.
Với những nỗ lực bền bỉ cùng những đóng góp phát triển kinh tế - xã hội địa phương, mới đây, ngày 19/5 vừa qua, Nguyễn Mỹ Linh đã được tuyên dương tại Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc lần thứ VIII. Linh cũng là đại diện duy nhất của Điện Biên và là một trong 32 tấm gương tiêu biểu toàn quốc đại diện hàng triệu đoàn viên, thanh niên có tinh thần sáng tạo, nỗ lực vươn lên làm giàu cho bản thân, gia đình, được trao Giải thưởng Lương Định Của lần thứ XIX năm 2024 của Trung ương Đoàn,
Lặng thầm tỏa sáng
Khác với vẻ sôi nổi của công tác Đoàn hay những con số của sản xuất kinh doanh, hành trình của Lê Thị Tố Quyên lại bình dị như chính công việc của chị - một nhân viên phòng kinh doanh tại Công ty Xăng dầu Điện Biên.
Là đảng viên, đoàn viên trẻ đầy nhiệt huyết, Quyên luôn trăn trở tìm cách cải tiến quy trình, nâng cao hiệu quả trong từng khâu vận hành, kinh doanh. Từ những giải pháp linh hoạt điều phối hàng hóa giữa các kho trong thời điểm khan hiếm, đến việc đề xuất cân đối tồn kho phù hợp từng loại bể chứa, góp phần giảm hao hụt và tiết kiệm chi phí cho đơn vị, tất cả đều xuất phát từ sự quan sát tỉ mỉ và suy nghĩ sâu sắc của chị.
Chị Tố Quyên chia sẻ:
“Làm tốt việc nhỏ chính là cách tôi học theo Bác mỗi ngày”. Với chị, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không phải
điều gì xa vời mà là sự tận tâm, trách nhiệm thể hiện qua từng hành
động giản đơn trong cuộc sống thường ngày.
Xuất sắc trong nhiệm vụ chuyên môn, Tố Quyên còn là hạt
nhân tích cực trong các hoạt động Đoàn. Chị luôn sẵn sàng tham gia, tổ chức nhiều
chương trình ý nghĩa, như hiến máu tình nguyện, vệ sinh môi trường tại các điểm
di tích lịch sử, hay những phong trào vì cộng đồng như “Những bước chân vì cộng
đồng”, “Tuổi trẻ tri ân”… Ở đâu cần, chị đều
âm thầm góp sức, lan tỏa tinh thần sống đẹp, sống có ích trong tập thể.
Được đồng nghiệp tin tưởng, đoàn viên yêu mến, chị khiêm tốn cho biết: “Tôi không nghĩ mình làm điều gì to tát. Chỉ là mỗi ngày cố gắng một chút, lan tỏa điều tốt một chút. Khi sống tử tế và có trách nhiệm, tập thể sẽ vững mạnh từ bên trong.”
Từ những việc nhỏ, chị Lê Thị Tố Quyên đã góp phần làm nên giá trị không chỉ cho đơn vị, mà còn cho hình ảnh người đoàn viên thời đại mới: Bản lĩnh, trách nhiệm và luôn nỗ lực vì cộng đồng. Với chị, làm theo lời Bác chính là sống có trách nhiệm, biết sẻ chia và hết lòng với công việc mình đang theo đuổi.
“Lúc được chọn dự Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn
quốc năm 2025, tôi thực sự bất
ngờ. Tôi không nghĩ những việc nhỏ mình làm lại được ghi nhận lớn như thế. Đó vừa
là niềm tự hào, vừa là động lực để tôi sống tốt hơn mỗi ngày” - chị Quyên phấn khởi.
Tham dự Đại hội Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc lần thứ VIII, ngoài 3 gương mặt tiêu biểu trên còn có thầy giáo Lò Văn Cường, giáo viên Trường PT DTNT THPT huyện Tuần Giáo đã có nhiều sáng kiến, giải pháp thiết thực trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Là giáo viên vùng cao nhưng với năng nổ, nhiệt huyết của đảng viên gương mẫu, thầy Cường luôn chủ động tìm tòi, sáng tạo trong cách truyền đạt kiến thức tới học sinh dễ hiểu, dễ nhớ. Mỗi người một cách làm, một đóng góp nhỏ góp phần tạo thành vườn hoa học và làm theo Bác.
Nguyễn Thị Ngọc, Nguyễn Mỹ Linh, Lê Thị Tố Quyên, Lò Văn Cường - 4 thanh niên tiêu
biểu của tỉnh vinh dự được vinh danh tại Đại hội Thanh niên
tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc lần thứ VIII. Mỗi người một câu chuyện, một hành trình
riêng, nhưng họ đều âm thầm cống hiến, khiêm
nhường trong niềm tự hào, khát vọng sống đẹp, sống có ích - đó cũng chính
là hình ảnh đẹp, là nguồn cảm hứng để tuổi trẻ Điện Biên hôm nay tiếp bước, góp phần làm rạng rỡ thêm hình ảnh người
thanh niên trong thời đại mới.