Thực hiện chương trình giám sát năm 2025, HĐND tỉnh thành lập đoàn giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư, quản lý, cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Điện Biên, giai đoạn 2021 - 2024”. Đoàn giám sát đã tổ chức giám sát trực tiếp tại 5 huyện, 2 đơn vị. Kết quả cho thấy: Đến hết năm 2024, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 92,86% (vượt 7,86% mục tiêu đến năm 2025); tỷ lệ hộ dân nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn đạt 14,62% (vượt 4,62% mục tiêu đến năm 2025).
Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 1.048 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn và 9 công trình nước sạch đô thị. Trong giai đoạn 2021 - 2024, toàn tỉnh đầu tư xây mới và nâng cấp 64 công trình, dự án cấp nước sinh hoạt với tổng mức đầu tư hơn 153 tỷ đồng. Các công trình nước sinh hoạt đã giải quyết vấn đề khó khăn về nước cho nhân dân, nhất là đối với khu vực vùng cao, vùng khó khăn; nâng cao chất lượng cuộc sống, sức khỏe nhân dân; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại cơ sở.
Tuy nhiên, hiện nay có 199 công trình không còn hoạt động do hết niên hạn sử dụng, hỏng, xuống cấp nhưng chưa được các địa phương quan tâm thực hiện các thủ tục thanh lý; 237 công trình hoạt động kém bền vững chưa được bố trí kinh phí sửa chữa, nâng cấp. Khu vực nông thôn còn nhiều công trình chưa phát huy hết công suất thiết kế, doanh thu từ dịch vụ sử dụng nước sạch thấp; một số tổ quản lý khai thác, vận hành các công trình còn hạn chế. Hầu hết các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung, nước sạch chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép sử dụng hành lang đường; có công trình chưa giải phóng mặt bằng đã tổ chức thi công (Công trình xây dựng hệ thống cấp nước bổ sung của Nhà máy nước huyện Tủa Chùa)...
Tại buổi làm việc, thành viên đoàn giám sát đề nghị các đơn vị liên quan tiếp tục làm rõ một số nội dung về: Kinh phí duy trì các công trình, hoạt động của các tổ quản lý khai thác, vận hành; việc phát triển khách hàng sử dụng nước sạch gặp khó khăn; khó khăn trong bàn giao các công trình sau đầu tư; công tác thực hiện các thủ tục thanh lý công trình không còn hoạt động; giải pháp khắc phục các công trình kém hiệu quả; lộ trình tăng tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn; việc bàn giao một số công trình sau đầu tư cho Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp, Tài nguyên và Môi trường…
Thống nhất các nội dung sau giám sát, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Giàng Thị Hoa ghi nhận những kết quả, nỗ lực của các cấp, ngành, đơn vị chuyên môn trong giải quyết những vấn đề khó khăn về nước sinh hoạt nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống, sức khỏe của người dân. Để khắc phục những hạn chế, đồng chí đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo rà soát các điều kiện đảm bảo nguồn nước phục vụ người dân; tranh thủ các nguồn lực, vốn để đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa, bảo dưỡng các công trình nước sinh hoạt tại các khu vực khó khăn của tỉnh; hướng dẫn tiến hành thủ tục thanh lý tài sản là các công trình cấp nước không còn hoạt động, hết niên hạn sử dụng. Đề nghị các ngành, đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức để nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong bảo vệ công trình, bảo vệ nguồn nước; khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Các đơn vị cung cấp nước tiếp tục ứng dụng khoa học công nghệ trong khai thác và xử lý nguồn nước, mở rộng diện tích cung cấp nước sạch, nước đạt quy chuẩn và tăng cường các biện pháp bảo vệ công trình cấp nước, chống thất thoát nước.
Tin, ảnh: Lan Phương