Năm 2024, TP. Hải Phòng lần đầu tiên vươn lên vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng PCI với 74,84 điểm; tiếp theo trong tốp 5 tỉnh dẫn đầu lần lượt là: Quảng Ninh (73,2 điểm), Long An (72,64 điểm), Bắc Giang (71,24 điểm) và Bà Rịa Vũng Tàu (71,17 điểm).
Theo báo cáo của VCCI, mức điểm số trung vị của Chỉ số PCI năm 2024 đạt 67,67 điểm, tăng 1 điểm so với năm 2023. Đây cũng là năm thứ 8 liên tiếp điểm số trung vị PCI của cả nước vượt mốc 60 điểm - ngưỡng điểm phản ánh môi trường kinh doanh thuận lợi.
Năm 2024, chỉ số PCI tỉnh Điện Biên đạt 67,67 điểm, tăng 0,9 điểm so với năm 2023, xếp thứ 32 toàn quốc. Năm qua, dù tăng điểm song thứ hạng của tỉnh Điện Biên lại tụt 1 bậc so với năm 2023 (xếp thứ 31).
Năm 2024, Điện Biên có 6 chỉ số tăng điểm, gồm: Chỉ số gia nhập thị trường (từ 7,63 lên 8,88 điểm); tiếp cận đất đai (từ 6,82 lên 6,99 điểm); tính minh bạch (từ 5,5 lên 7,01); chi phí thời gian (từ 7,17 lên 7,6 điểm); tính năng động của chính quyền (từ 6,68 lên 6,75 điểm) và chỉ số đào tạo lao động (từ 5,41 lên 6,19 điểm). Các chỉ số giảm điểm gồm: Chi phí không chính thức; cạnh tranh bình đẳng; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự.
Báo cáo PCI năm 2024 ghi nhận những cải thiện tích cực trong môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, PCI năm 2024 cũng chỉ ra những hạn chế như: Khó khăn trong tiếp cận đất đai, chi phí tuân thủ pháp luật cao và sự suy giảm tính năng động của chính quyền địa phương.
Báo cáo năm nay đánh dấu 20 năm PCI được công bố và là lần cuối cùng có đủ dữ liệu từ 63 tỉnh, thành trước khi sắp xếp lại đơn vị hành chính và tổ chức bộ máy 2 cấp.