Được xây dựng từ năm 1996, công trình đầu mối hồ Pe Luông, xã Thanh Nưa có nhiệm vụ đảm bảo nước tưới cho hơn 284ha lúa 2 vụ, 15,4ha hoa màu, trên 9ha thủy sản, đảm bảo an toàn công trình đầu mối và hạ du…
Ông Vũ Xuân Viễn, Phó Giám đốc Công ty TNHH Quản lý thủy nông Điện Biên cho biết: Trải qua thời gian đưa vào vận hành, sử dụng, nhiều hạng mục thuộc công trình đã có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng. Qua kiểm tra cho thấy, mặt đập đã xuống cấp, bong tróc, nứt nẻ; mái đập bị sụt lún, trên mái hạ lưu đập xuất hiện nhiều vùng thấm trải dài; nhà quản lý hư hỏng không thể sử dụng… Sau khi đánh giá hiện trạng, đơn vị đã đề xuất khắc phục, sửa chữa nhằm đảm bảo an toàn, ổn định đối với hồ chứa.
Theo đó, từ tháng 9/2024, dự án sửa chữa hồ Pe Luông do Ban Quản lý dự án các công trình nông nghiệp làm chủ đầu tư đã được khởi công với tổng giá trị xây lắp hơn 32,2 tỷ đồng. Đến thời điểm này, nhiều hạng mục đã hoàn thành với giá trị hợp đồng đạt 68,6%. Công trình sau khi sửa chữa, nâng cấp sẽ góp phần tăng cường khả năng chống chịu trước tác động của thời tiết, đảm bảo an ninh nguồn nước cho các mục đích sử dụng.
Tại công trình đầu mối hồ chứa nước Hồng Khếnh, từ nhiều tháng nay, công tác sửa chữa, nâng cấp công trình đang được gấp rút thi công với các hạng mục liên quan đến mái thượng lưu, mái hạ lưu, tháp van thượng lưu cống, đỉnh đập, tường chắn sóng…
Ông Nguyễn Hữu Hiệp, Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình nông nghiệp cho biết: Đối với các hạng mục sửa chữa tại hồ Hồng Khếnh, hiện đơn vị thi công đang gia công cốt thép tấm lát mái thượng lưu đạt 80%; thi công tháp van cống lấy nước hơn 60%; hạng mục nhà quản lý hoàn thành trên 70% khối lượng công việc, một số hạng mục khác đã hoàn thành. Việc sửa chữa, nâng cấp công trình đầu mối hồ chứa nước Hồng Khếnh nhằm đảm bảo an toàn công trình đầu mối và hạ du; phát huy tối đa nhiệm vụ công trình, chủ động trong công tác quản lý vận hành và nâng cao khả năng ứng phó khi có tình huống khẩn cấp.
Ngoài sửa chữa, nâng cấp các hồ chứa có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng, công tác vận hành cũng được chú trọng. Trong mùa mưa lũ, việc vận hành các hồ chứa phải vừa đảm bảo an toàn hồ đập, vừa cắt giảm lũ bảo đảm an toàn cho tính mạng và tài sản của người dân vùng hạ du, đồng thời đảm bảo nước tích trữ trong hồ chứa để năm sau cung ứng cho sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và các mục đích khác là công việc không hề đơn giản.
Nằm ở cửa ngõ đô thị trung tâm tỉnh, hồ Huổi Phạ có diện tích lưu vực hơn 17km2, dung tích trên 1,8 triệu mét khối. Ngoài nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho 7ha canh tác, hồ còn có vai trò quan trọng trong việc điều tiết nước, đặc biệt là trong mùa mưa lũ, giúp đảm bảo an toàn khu vực hạ du.
Những ngày này, khi đang bước vào cao điểm mùa mưa, đơn vị quản lý cụm thủy nông đầu mối và hồ Huổi Phạ tổ chức trực 24/24 giờ, thường xuyên kiểm tra tổng thể công trình, gồm: Mái thượng, hạ lưu đập; tràn xả lũ; cống lấy nước… để kịp thời phát hiện các hiện tượng thấm, rò rỉ, mạch đùn, mạch sủi qua thân đập…
Anh Nguyễn Văn Cường, phụ trách kỹ thuật Cụm thủy nông đầu mối và hồ Huổi Phạ cho biết: Ngoài thường xuyên kiểm tra tổng thể công trình, trong mùa mưa, chúng tôi phải chủ động điều tiết nước trong hồ luôn giữ ở mức thấp hơn đỉnh tràn từ 0,5 - 1m để chủ động điều tiết khi có mưa lớn. Khi hồ thuộc báo động cấp II trở lên, cứ 1 giờ/lần chúng tôi sẽ báo cáo mực nước hồ và lượng mưa; khi mực nước hồ thay đổi, cứ 10cm chúng tôi sẽ cập nhật và báo cáo một lần. Việc này nhằm phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường để có biện pháp xử lý kịp thời.
Công ty TNHH Quản lý thủy nông Điện Biên được giao quản lý, khai thác, vận hành 13 hồ chứa nước với tổng dung tích ứng với mực nước dâng bình thường là trên 66 triệu mét khối. Do vậy, vào cao điểm mùa mưa, việc chủ động các phương án ứng phó với nguy cơ mưa lũ, sự cố đập là ưu tiên hàng đầu nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân và Nhà nước.
Ông Vũ Xuân Viễn cho biết: Công ty đã thành lập Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, gồm 17 người. Đây là những cán bộ có năng lực, chuyên môn tốt, được cử túc trực 24/24h tại các hồ chứa trong mùa mưa lũ. Trước mùa mưa bão, đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết và trực tiếp kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn tại từng đập, hồ chứa. Các hạng mục trọng yếu, như tràn xả lũ, tràn sự cố, cống xả lũ, cống tháo sâu, cùng hệ thống đường quản lý, nhà quản lý, trạm bơm và kênh mương đều được rà soát kỹ lưỡng. Công ty chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện sẵn sàng ứng phó thiên tai. Đồng thời phối hợp với lực lượng vũ trang, chính quyền địa phương để ứng cứu hồ đập, sơ tán dân trong vùng hạ du khi sự cố xảy ra.
Trong bối cảnh thời tiết ngày càng cực đoan và mưa lũ diễn biến bất thường, công tác quản lý, vận hành hồ chứa hiện nay đang phải đối diện với không ít thách thức. Bởi vậy, việc chuẩn bị kỹ lưỡng và chủ động phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa nước sẽ góp phần bảo vệ an toàn sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân vùng hạ du.