Với gần 5ha trồng cây ăn quả tại bản Bồ Hóng, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên, Công ty TNHH Cara Farm Việt Nam đã dành phần lớn diện tích đất trồng cây cam ruột đỏ (cam Cara). Đây cũng là giống cam mới lần đầu được trồng tại Điện Biên.
Để gây dựng một Cara Farm với các sản phẩm thuần hữu cơ, ngoài lựa chọn giống mới, Công ty đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sản xuất theo hướng xanh, sạch và bền vững. Công nghệ vi sinh ủ phân hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp; tạo chế phẩm sinh học; sử dụng hệ thống tưới tự động đúng lúc, đúng lượng… được Công ty chú trọng, đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt. Chăm sóc theo quy trình giúp cây phát triển đồng đều, tiết kiệm 50% lượng nước so với phương pháp tưới truyền thống và giảm chi phí nhân công chăm sóc.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Giám đốc Công ty TNHH Cara Farm Việt Nam cho biết: Tỉnh Điện Biên có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, thích hợp để trồng cây ăn quả có múi. Sau nhiều năm đi tham quan, khảo sát các mô hình làm nông nghiệp sạch, tôi đã lựa chọn trồng giống cam Cara và bưởi da xanh, những loại cây ăn quả có hàm lượng vitamin cao, giá trị kinh tế lớn. Ngay từ đầu, với định hướng sản xuất hướng tới sản phẩm sạch, an toàn và thân thiện với môi trường, Công ty chú trọng áp dụng kỹ thuật canh tác hữu cơ, không sử dụng hóa chất, tạo hệ sinh thái tự nhiên cân bằng trong vườn.
Sau hơn 8 năm triển khai mô hình làm nông nghiệp sạch, tháng 10/2022, Cara Farm Việt Nam được cấp chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Dù năng suất không vượt trội so với sản xuất truyền thống, nhưng sản phẩm hữu cơ có chất lượng cao và giá bán ổn định. Hiện nay, giá bán sản phẩm cam Cara từ 90.000 - 120.000 đồng/kg, bưởi da xanh 70.000 đồng/kg. Sản phẩm thu hoạch đến đâu bán hết đến đấy và không bó hẹp trong tỉnh Điện Biên mà đã xuất đi các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước.
Tại huyện Mường Ảng, với mục tiêu xây dựng huyện trở thành vùng chuyên canh trồng cây ăn quả trọng điểm của tỉnh, từ năm 2018 đến nay, huyện đã tiến hành chuyển đổi một phần diện tích từ đất nương rẫy, đất vườn tạp và các loại đất trồng cây hàng năm khác sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế như bưởi da xanh, xoài Đài Loan, cam, chanh leo...
Theo Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Mường Ảng, hướng đến phát triển cây ăn quả lợi thế, đặc sản, giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã thực hiện 3 dự án "Liên kết sản xuất trong trồng và tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả" với sự tham gia của 218 hộ dân trên địa bàn 8 xã, thị trấn. Các loại cây ăn quả được trồng chủ yếu là xoài, bưởi và một số cây ăn quả khác với tổng diện tích trồng trên 68,4ha. Đến cuối năm 2024, huyện Mường Ảng có trên 509ha cây ăn quả, trong đó 357ha đã cho thu hoạch, sản lượng ước 1.000 tấn.
Được thành lập từ năm 2020 với hơn 20 hộ dân tham gia, HTX Cây ăn quả sạch Mường Ảng hiện có gần 100ha các loại cây ăn quả lâu năm. Trung bình mỗi năm hợp tác xã thu hoạch từ 300 - 500 tấn quả, tạo nguồn thu nhập ổn định cho hội viên từ 50 đến hơn 100 triệu đồng. Trong đó, bưởi da xanh là một trong những sản phẩm chủ lực của HTX và cũng là sản phẩm đã được chứng nhận đạt 3 sao OCOP từ cuối năm 2022.
Ông Hà Văn Hoan, Giám đốc HTX Cây ăn quả sạch Mường Ảng cho biết: Trung bình mỗi năm, 50ha bưởi da xanh của HTX cho thu hoạch khoảng 200 tấn quả. Vườn bưởi được hợp tác xã trồng theo hướng hữu cơ, quả phát triển khá đồng đều, có vị ngon, ngọt, đậm đà. Việc chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo được uy tín trên thị trường cũng là cách đơn vị bước đầu xây dựng thương hiệu. Sản phẩm không chỉ được tiêu thụ trên địa bàn tỉnh mà còn vươn ra thị trường lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh.
Để phát triển cây ăn quả lợi thế, đặc sản trên toàn tỉnh, tháng 12/2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3417/QÐ-UBND phê duyệt “Ðề án phát triển cây ăn quả lợi thế, đặc sản theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, bền vững giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”.
Triển khai Ðề án, giai đoạn 2021 - 2023, toàn tỉnh đã chuyển đổi 578ha đất lúa và đất trồng cây hàng năm sang trồng cây ăn quả, nâng tổng diện tích cây ăn quả toàn tỉnh ước đạt trên 4.130ha. Ngoài đầu tư công tác sản xuất giống, khuyến khích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, an toàn, tỉnh cũng chú trọng công tác đào tạo, tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, giúp người dân nâng cao năng lực sản xuất, quản lý và tiếp cận thị trường.
Đến nay, Điện Biên đã hình thành 5 vùng sản xuất cây ăn quả tập trung tại các huyện: Tuần Giáo, Mường Ảng, Điện Biên, Mường Chà và TP. Điện Biên Phủ với tổng diện tích khoảng 3.200ha. Các loại cây ăn quả chủ lực bao gồm: Xoài, mít, dứa, bưởi, lê, bơ... tạo vùng nguyên liệu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh và hướng tới cung cấp cho các doanh nghiệp chế biến lớn như Nafoods Tây Bắc, Công ty Cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao, TH... Nhiều giống chất lượng tốt được sử dụng đã nâng cao giá trị sản xuất trên diện tích đất canh tác kéo theo đó thu nhập, đời sống nông dân cũng nâng lên. Đây sẽ là tiền đề để nâng cao hiệu quả trong sản xuất, hướng đến nền nông nghiệp bền vững của tỉnh.