Báo cáo của UBND tỉnh với đoàn công tác cho thấy: Trong quý I năm 2025, các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội đã đạt được những kết quả tích cực, GRDP tăng 7,52% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ che phủ rừng đến hết năm 2024 đạt 44,69% (mục tiêu đến năm 2030 đạt 48%). Tỉnh hiện có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 26/115 xã đạt chuẩn nông thôn mới (22,6%); số tiêu chí bình quân đạt 14,68 tiêu chí/xã; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều khu vực nông thôn giảm còn 39,79%. Công tác quy hoạch, kế hoạch và sử dụng đất trên địa bàn tỉnh tiếp tục được tập trung chỉ đạo, thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Điện Biên đã hoàn thành đo đạc lập bản đồ địa chính 38,8% tổng số xã.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác quản lý Nhà nước về nông nghiệp và môi trường, nhất là quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn: Còn 79/129 xã (chiếm 61,2%) chưa được đo đạc lập bản đồ địa chính; trên 80% số xã chưa xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai; nguồn thu từ đất của tỉnh Điện Biên còn thấp. Nhu cầu thực hiện công tác quản lý đất đai rất lớn, đặc biệt tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn; vướng mắc trong quá trình thực hiện chuyển mục đích đất trồng lúa sang mục đích đất ở đối với các hộ gia đình, cá nhân. Công tác hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với những hộ dân chưa được nhà nước cấp Giấy chứng nhận hoặc công nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp. Điện Biên hiện đang còn vướng mắc liên quan đến việc xem xét hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai của các dự án khi chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, trong đó có các dự án phát triển kinh tế - xã hội thuộc trường hợp Nhà nước cho thuê đất được miễn, giảm tiền thuê đất và các dự án đầu tư công, sử dụng ngân sách Nhà nước.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường xem xét, sớm triển khai hỗ trợ kinh phí thực hiện đo đạc lập hồ sơ địa chính các xã biên giới theo Quyết định số 101/QĐ-TTg ngày 26/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ; hỗ trợ kinh phí để tỉnh triển khai các nhiệm vụ đo đạc, lập bản đồ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai. Hướng dẫn trình tự, thủ tục xác định thẩm quyền, đối tượng được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; hướng dẫn việc lập quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất hàng năm đối với cấp xã sau khi tổ chức chính quyền địa phương hai cấp. Đề nghị Bộ kiến nghị Chính phủ sớm ban hành quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với các chức danh sau khi tổ chức, sắp xếp lại bộ máy Nhà nước để phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Minh Ngân đánh giá cao sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Điện Biên trong công tác quản lý Nhà nước về nông nghiệp và môi trường. Đồng thời, chia sẻ với những khó khăn của địa phương trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong lĩnh vực này. Những khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của Bộ được đoàn công tác làm rõ tại buổi làm việc. Nội dung khác đoàn công tác ghi nhận, tiếp thu để báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quan tâm hỗ trợ Điện Biên. Thứ trưởng Lê Minh Ngân đề nghị tỉnh Điện Biên quan tâm lập dự án quy hoạch sử dụng đất; rà soát, nghiên cứu các cơ chế chính sách đã ban hành để sau khi sáp nhập có sự đồng bộ. Quan tâm bố trí đất sản xuất cho người dân, đặc biệt là đồng bào vùng dân tộc thiểu số; chuyển hướng sản xuất hàng hóa, bền vững; tuyên truyền thay đổi nhận thức của người dân vùng cao về phương thức sản xuất, đặc biệt là vấn đề đốt nương để không làm ảnh hưởng đến môi trường.
Tin, ảnh: Lan Phương