Cán bộ xã Phìn Hồ làm đất gieo trồng thử nghiệm các giống cây trồng ngắn ngày
Xã Phìn Hồ có diện tích tự nhiên gần 11.500ha phần lớn là đồi núi thấp. Diện tích đất rộng tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi. Xã Phìn Hồ là một trong những xã trọng điểm của huyện Nậm Pồ về chăn nuôi đại gia súc phát triển kinh tế. Tuy nhiên, việc khai thác tiềm năng, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống, phát triển cây trồng chủ lực trên địa bàn xã còn nhỏ lẻ, manh mún.
Ông Hồ Chử Dung, Bí thư Đảng ủy xã Phìn Hồ cho biết: Ngoài những chương trình, dự án phát triển nông nghiệp được triển khai, cây lương thực được bà con tại Phìn Hồ trồng chủ yếu là lúa, ngô, sắn… Các loại cây màu, cây công nghiệp ngắn ngày thường có diện tích không lớn, phục vụ nhu cầu sử dụng của gia đình, một số ít mở rộng, bán kiếm thêm thu nhập. Với phương châm "không để đất nghỉ", tận dụng ưu thế thổ nhưỡng cũng như đồng hành cùng bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng phát triển kinh tế, cán bộ xã Phìn Hồ đã trồng thử nghiệm một số cây trồng ngắn ngày. Từ mô hình thử nghiệm chọn lọc loại cây trồng phát triển tốt, phù hợp thổ nhưỡng tại địa phương... để tuyên truyền, nhân rộng diện tích trong toàn xã.
Khác với năm trước trồng thử nghiệm lạc, bí đỏ, thời điểm hiện tại sau những trận mưa đầu mùa, cán bộ xã Phìn Hồ bắt đầu vỡ đất tập trung trồng thử nghiệm gừng với diện tích 4ha thuộc quỹ đất chung của xã và gia đình.
Việc luân canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Chà Nưa vài năm nay diễn ra mạnh mẽ. Các mô hình đa phần của cán bộ công chức xã tiên phong triển khai, lan tỏa tới người dân.
Năm 2023 xã Chà Nưa đã triển khai trồng bí xanh. Sau hơn 2 tháng trồng, bí xanh bắt đầu cho thu hoạch. Trung bình mỗi héc-ta bí xanh chăm sóc tốt cho thu hoạch từ 60 - 90 tấn, giá bán dao động từ 5.000 - 10.000 đồng/kg, đem lại thu nhập không nhỏ cho bà con. Mặc dù vậy, bí xanh cho sản lượng, chất lượng tốt nhất trong hai năm đầu, nếu độc canh bí xanh sẽ nhiều sâu bệnh hại, ảnh hưởng tới chất lượng quả. Vì vậy năm 2025 cấp ủy, chính quyền xã Chà Nưa đã nghiên cứu, tuyên truyền bà con mở rộng diện tích trồng bí xanh, diện tích bí xanh đã cho thu hoạch hai năm sẽ chuyển đổi sang trồng khoai sọ mán đầu đỏ luân canh.
Ông Thùng Văn Ánh, Chủ tịch UBND xã Chà Nưa chia sẻ: Để người dân đồng lòng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ngoài công tác tuyên truyền, vận động thì cán bộ xã là những người đầu tiên chuyển đổi trồng khoai sọ mán đầu đỏ, đồng thời xã liên hệ mua giống cây trồng cũng như đầu ra, bao tiêu nông sản tạo sự yên tâm cho người dân.
Tổng diện tích khoai sọ mán đầu đỏ toàn xã Chà Nưa khoảng 8ha, do 29 cán bộ xã và 37 hộ dân tham gia trồng chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Chị Lù Thị Út, bản Cấu, xã Chà Nưa cho biết: Thấy cán bộ xã chuyển đổi diện tích bí xanh cũ sang trồng khoai sọ, đồng thời được đảm bảo đầu ra nên gia đình cũng mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi cây trồng. Dịp này gia đình đặt mua hơn 1 tấn khoai sọ giống, diện tích trồng khoảng gần 1ha, khi trồng được cán bộ xã hướng dẫn quy trình, kỹ thuật làm đất, xuống giống, chăm sóc nên cây lên rất tốt, tỷ lệ cây nảy mầm phát triển khoảng 90%.
Từ thực tế tại Nậm Pồ cho thấy vai trò nêu gương, tiên phong đi đầu cùng sự đồng hành sát sườn giữa cán bộ và người dân đã đem lại kết quả tích cực. Khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng đem lại hiệu quả không chỉ thay đổi tư duy người dân trong tập quán canh tác mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương bền vững.