Ngay sau khi giá điện tăng, nhiều người dân, doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã quan tâm đến mức tăng tiền điện hàng tháng của doanh nghiệp, gia đình mình phải trả thêm so với giá điện cũ.
Bà Nguyễn Thị Ngọc, đội 18, xã Thanh Xương (huyện Điện Biên) nắm bắt được từ ngày 10/5 Tập đoàn Điện lực Việt Nam áp dụng giá điện mới theo hướng tăng. Bà Ngọc cho biết: Gia đình có 5 người, đồ điện trong nhà cũng không có tiêu hao quá nhiều điện năng, chỉ có quạt, tủ lạnh, tivi... Mỗi tháng gia đình đóng hơn 400 nghìn đồng tiền điện. Với mức lương hưu 2,5 triệu đồng/tháng và hiện giá điện tăng như hiện nay, tới đây, tiền điện của gia đình sẽ tăng thêm một phần đáng kể. Trong khi một tháng tôi có nhiều khoản chi tiêu thiết yếu như: Tiền điện, tiền nước, tiền lương thực, thực phẩm, rồi cho các cháu học... đồng lương hưu thấp sẽ khó khăn. Hè đã đến, thời tiết nắng nóng nên nhu cầu sử dụng điện nhiều hơn. Gia đình tôi buộc phải cắt giảm một số khoản chi tiêu để cân đối.
Đối với các doanh nghiệp, sức ép từ thị trường xuất khẩu, từ chính sách thuế của nước ngoài, việc tăng giá điện khiến các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thêm áp lực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ông Giang Văn Long, cơ sở xay xát Minh Long có địa chỉ xã Thanh An (huyện Điện Biên) chia sẻ: Tác động đầu tiên của việc tăng giá điện chính là sự gia tăng chi phí sản xuất khiến doanh nghiệp giảm lợi nhuận. Theo ông Long, trong cấu thành giá sản phẩm, giá điện là yếu tố "không hề nhỏ", trong khi doanh nghiệp không muốn tăng giá hàng hóa vì sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, khách hàng. Nhà tôi chuyên mua thóc của người dân về sản xuất thành gạo thương phẩm, vận chuyển đi các tỉnh. Máy móc vận hành cả ngày nên mức sử dụng điện lớn, trung bình mỗi tháng nhà tôi chi phí 20 triệu đồng cho tiền điện. Để bình ổn giá các mặt hàng gạo đòi hỏi các cơ sở sản xuất phải cắt giảm lợi nhuận.
Đại diện kế toán của Công ty Cổ phần Thương mại Xuất nhập khẩu Điện Biên - Siêu thị Tâm Đỏ cho biết: Công ty dùng 11.000 KWh/tháng, tương đương chi phí gần 40 triệu đồng tiền điện. Với giá điện như hiện nay, chi phí cho tiền điện sẽ tăng trong những tháng tới đây. Siêu thị sử dụng khá nhiều điện năng với các loại tủ lạnh, điều hòa, điện thắp sáng để bảo quản đồ tươi sống, bia, nước giải khát... Trong khi thời tiết nắng nóng, giảm các thiết bị điện rất khó, chỉ có dùng tăng lên. Việc điều chỉnh giá điện là cần thiết nếu mức giá hiện tại chưa đủ để đảm bảo nguồn lực tái đầu tư cho ngành điện. Phía doanh nghiệp không phản đối việc tăng giá điện, nếu đi kèm với một cam kết dài hạn về chất lượng cung cấp - đảm bảo điện đủ, ổn định và phục vụ tốt hơn cho nhu cầu phát triển của nền kinh tế.
Ông Bùi Quốc Trung, Phó Giám đốc Điện lực thành phố Điện Biên Phủ cho biết: Theo tính toán của EVN, điều chỉnh mức bán lẻ cụ thể: Đối với các hộ sử dụng điện dưới 50KWh, tiền điện tăng thêm khoảng 4.550 đồng/hộ/tháng; từ 51 - 100KWh, tiền điện tăng thêm 9.250 đồng/hộ/tháng; từ 101 - 200KWh, tăng thêm là 20.150 đồng/hộ/tháng; khách hàng sử dụng 201 - 300KWh phải chi trả thêm 33.950 đồng/hộ/tháng; sử dụng điện từ 301 - 400KWh, chi phí tăng thêm là 49.250 đồng/hộ/tháng; từ 400KWh trở lên, mức tăng tiền điện khoảng 65.050 đồng/hộ/tháng. Đối với các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30 KWh/hộ/tháng. Hộ chính sách xã hội có lượng điện sử dụng không quá 50 KWh/hộ/tháng. Nếu áp dụng theo giá mới, mỗi hộ nghèo được hỗ trợ tiền điện là khoảng 59.520 đồng/hộ/tháng (chưa tính thuế giá trị gia tăng). Về cơ bản, việc điều chỉnh giá điện lần này sẽ đảm bảo hộ nghèo, gia đình chính sách bị ảnh hưởng ở mức không đáng kể. Theo ông Trung, thực hiện Quyết định số 1279/QĐ-BCT, ngày 9/5/2025 của Bộ Công Thương quy định về giá bán điện, giá bán điện bình quân của EVN là 2.204,07 đồng/KWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) áp dụng từ ngày 10/5, mức điều chỉnh này tương đương mức tăng 4,8% so với giá điện bán lẻ bình quân hiện hành.
"Việc tăng giá điện để phù hợp với chi phí đầu vào, chi phí sản xuất kinh doanh của ngành điện là cần thiết. Vì vậy, trên cơ sở kế hoạch vận hành, EVN đã thường xuyên thực hiện rà soát, tính toán và báo cáo các cơ quan có thẩm quyền để điều chỉnh giá điện. Việc điều chỉnh cân nhắc kỹ chi phí đầu vào, chi phí biến động, khả năng chi trả của người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tính toán, cân đối lại chi phí đầu vào, áp dụng triệt để các biện pháp tiết kiệm điện, tối ưu hóa sản xuất, kinh doanh. Cùng với việc tăng giá bán điện, EVN cũng khuyến cáo khách hàng sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả, để đảm bảo nguồn cấp điện tới liên tục, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách hàng" - ông Trung nhấn mạnh.