Niềm vui nhận trâu hỗ trợ
Với phương châm "Cho cần câu, không cho con cá", từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, xã Sam Mứn thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng chăn nuôi trâu sinh sản cho các hộ nghèo, cận nghèo và hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã.
Anh Quàng Văn Hoa, bản Na Lao, xã Sam Mứn chia sẻ: Kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào nương ngô, nương sắn, thiếu tư liệu sản xuất để đột phá, mặc dù đã cố gắng học hỏi các mô hình phát triển sản xuất. Gia đình không thoát ra được danh sách hộ nghèo. Trong diện được hỗ trợ từ Chương trình Giảm nghèo bền vững, cuối tháng 3/2025, gia đình tôi được nhận 2 con trâu sinh sản. Trước khi nhận trâu giống, bản thân tôi được cán bộ khuyến nông của huyện và tổ sản xuất cộng đồng tập huấn kỹ thuật chăn nuôi trâu sinh sản, cách chăm sóc trâu sao cho nhanh thích nghi với môi trường và phấn khởi hơn là chúng tôi được tự mình chọn những con trâu giống ưng ý cho gia đình. Đến nay, con giống đã thích nghi với môi trường chăn nuôi tại gia đinh, cán bộ xã cũng thường xuyên quan tâm xuống thăm và hướng dẫn cách chăm sóc trâu. Bản thân tôi và gia đình rất phấn khởi, cảm ơn chính sách của Đảng và Nhà nước, cảm ơn chính quyền xã đã mang đến sự hỗ trợ thiết thực cho hộ nghèo như tôi.
Theo ông Lường Văn Lún, bản Ban, xã Sam Mứn, trong quá trình triển khai dự án hỗ trợ trâu sinh sản, người dân được tự mình chọn và giám sát thực hiện cân trọng lượng con giống. Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng chăn nuôi trâu sinh sản, mỗi hộ được hỗ trợ 2 con trâu sinh sản, trọng lượng mỗi con đạt 300kg trở lên. Khi nhận con giống, tôi được trực tiếp cùng nhà cung ứng cân trọng lượng của con giống, đủ cân nặng tôi mới nhận giống.
Cách làm để người dân chủ động lựa chọn con giống, giám sát quá trình thực hiện dự án, phát huy được tính chủ động trong phương án tổ chức sản xuất của người dân. Đồng thời phát huy quyền dân chủ của người dân và nâng cao trách nhiệm quản lý, sử dụng nguồn hỗ trợ của Nhà nước.
Ông Lò Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Sam Mứn cho biết: Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng chăn nuôi trâu sinh sản tại 2 bản: Na Lao, Ban. 42 hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ 84 con trâu sinh sản với tổng kinh phí trên 2 tỷ đồng, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững năm 2024 chuyển nguồn. Tham gia dự án, mỗi hộ dân được nhận 2 con trâu sinh sản, trong độ tuổi từ 24 - 36 tháng tuổi, trọng lượng trên 300kg/con, với mức giá được hỗ trợ là 92.000 đồng/kg, tương đương 1 con trâu giống có giá từ 27 - 30 triệu đồng/con.
Theo ông Thành, UBND xã làm chủ đầu tư, trước khi thực hiện dự án, UBND xã đã chủ động mời các hộ được hỗ trợ tham gia họp bàn, thống nhất nội dung, để người dân biết về cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt ký cam kết sẽ thực hiện những quy định mà chương trình đưa ra. Quá trình thực hiện, nếu con giống chết được xác định do nguyên nhân khách quan (thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn) thì hộ gia đình báo ngay với Tổ trưởng tổ cộng đồng, UBND xã để tiến hành lập biên bản xác minh và giải quyết theo quy định. Nếu con giống chết được xác định do nguyên nhân chủ quan của hộ gia đình (chăn nuôi không đúng quy trình kỹ thuật, tự ý chuyển nhượng, để mất con giống dự án) thì hộ gia đình phải tự mua bù con giống khác có giá trị tương đương để tiếp tục thực hiện dự án.
Hộ gia đình không thực hiện đúng, đủ những nội dung dự án (không đối ứng đủ thức ăn, chăm sóc không đúng quy trình kỹ thuật...) thì UBND xã có quyền chuyển con giống cho các hộ khác thực hiện dự án; mặt khác hộ gia đình vi phạm sẽ không được hưởng các chính sách hỗ trợ trong vòng 5 năm tiếp theo.
Luật Chăn nuôi tác động giá con giống
Ông Nguyễn Hồng Thắng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Điện Biên cho biết: Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, khó khăn nhất là tìm đơn vị cung ứng con giống. Theo Văn bản số 2196/SNN-CNTYTS ngày 19/9/2023 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn một số nội dung liên quan đến điều kiện sản xuất, mua bán con giống vật nuôi và văn bản số 69/SNN-CPPTNT&KTTT triển khai hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh yêu cầu các dự án thực hiện hỗ trợ sản xuất phải theo quy định Luật Chăn nuôi năm 2018.
Trong đó, các tổ chức, cá nhân sản xuất con giống vật nuôi phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 55 về chăn nuôi trang trại; áp dụng hệ thống quản lý chất lượng phù hợp và công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với giống vật nuôi; cơ sở nuôi giữ giống gốc, cơ sở đào tạo dòng, giống vật nuôi phải có nhân viên kỹ thuật có trình độ đại học trở lên và một trong các ngành chăn nuôi, thú y, sinh học... Có hồ sơ ghi tên giống, cấp giống, xuất xứ, số lượng, các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật (khoản 2 Điều 22 Luật Chăn nuôi). Đây là những yếu tố tác động rất lớn đến giá thành con giống. Mặt khác, đơn vị cung ứng con giống có địa chỉ tỉnh Thái Nguyên, do phải chịu chi phí vận chuyển, chi phí nuôi theo quy chuẩn, giá giống mua từ nơi khác thường cao gấp 1,5 - 2 lần so với giống bán tại địa phương (được chăn thả thông thường).
Theo báo cáo thẩm định số 735/BC-TTĐ, UBND huyện Điện Biên đánh giá dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng chăn nuôi trâu sinh sản tại xã Sam Mứn đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, trọng lượng con giống, số lượng vắc xin, thuốc thú y, hóa chất sát trùng theo định mức kinh tế kỹ thuật chăn nuôi trâu sinh sản tại Quyết định số 11/2024/QĐ-UBND ngày 24/4/2024 và Quyết định số 39/2024/QĐ-UBND ngày 28/10/2024 của UBND tỉnh Điện Biên.
Để đảm bảo minh bạch trong thực hiện dự án và phát huy dân chủ, UBND xã đã tổ chức đấu thầu công khai về giá con giống theo mức quy định. Người dân nhận hỗ trợ trâu sinh sản còn được tập huấn kỹ thuật, tiêm phòng dịch bệnh vật nuôi, giám sát quá trình thực hiện dự án. Các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn có cơ hội được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, từng bước phát triển kinh tế, mang lại thu nhập cao hơn sớm thoát nghèo.