Xã Tủa Thàng được sáp nhập từ 2 xã Huổi Só và Tủa Thàng. Sau khi sáp nhập không chỉ thay đổi về diện tích, dân số mà còn mang tới nhiều tác động đến đời sống người dân và công tác quản lý hành chính cũng như định hướng phát triển, ổn định sinh kế trong thời gian tới.
Một góc xã Tủa Thàng.
Trước kia việc phát triển sinh kế xã Tủa Thàng (cũ) dựa vào trồng trọt và chăn nuôi là chủ yếu, tổng diện tích trồng lúa nước, lúa nương cả xã chỉ khoảng 140ha. Mặc dù diện tích rộng nhưng đều là đồi núi, canh tác khó khăn nên gần một nửa thôn, bản xã không có diện tích sản xuất lúa. Trên các sườn đồi, sườn núi đa phần canh tác các giống cây truyền thống kém hiệu quả như ngô, sắn, đậu đỗ…
Những năm trở lại đây, việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng được chú trọng, một số giống cây trồng mang lại hiệu quả, năng suất cao như các giống cây ăn quả, vừng, sa nhân… Được đẩy mạnh triển khai thí điểm, nhân rộng nhằm đa dạng và ổn định sinh kế cho người dân.
Chị Lý Thị Chẹo, thôn Huổi Só 1, xã Tủa Thàng chia sẻ: Gia đình chủ yếu trồng ngô, sắn và chăn nuôi gia súc. Trong năm được xã tuyên truyền nên chuyển đổi một số diện tích nương sắn đất bạc màu, kém hiệu quả sang trồng vừng. Năm nay là năm đầu tiên, diện tích trồng vừng phát triển rất tốt, khoảng 2 tháng nữa là được thu hoạch.
Ngoài việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, lòng hồ thủy điện Sơn La chạy dọc các thôn bản xã Tủa Thàng, điều này tạo điều kiện thuận lợi phát triển mô hình nuôi cá lồng, đánh bắt thủy sản khu vực lòng hồ thủy điện. Nhờ các chương trình, dự án hỗ trợ giống, thức ăn, kỹ thuật nuôi thủy sản, đến thời điểm hiện tại toàn xã Tủa Thàng có gần 100 hộ dân với khoảng hơn 200 lồng nuôi các giống như trắm, lăng, chép… Chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm, sản lượng nuôi trồng toàn xã đạt hơn 50 tấn, đánh bắt đạt hơn 30 tấn, đem lại hướng phát triển mới với thu nhập khá cho bà con nơi đây.
Ông Nguyễn Bá Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Tủa Thàng cho biết: Ngay sau sáp nhập, định hướng chung của cấp ủy, chính quyền địa phương là đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhân rộng các dự án giống cây trồng mới, mở rộng nuôi trồng đánh bắt nguồn lợi thủy sản trên lòng hồ thủy điện, qua đó đa dạng sinh kế cho người dân. Đồng thời quy hoạch, hướng tới khai thác, phát triển các lợi thế sẵn có của địa phương trong phát triển vận tải đường thủy, homestay và du lịch sinh thái. Xã Tủa Thàng có khá nhiều bến thuyền như Huổi Lóng, Huổi Trẳng, đường thủy giáp các tỉnh: Lai Châu, Sơn La, các thôn bản đồng bào dân tộc Dao, Thái… Nằm trên lòng hồ thủy điện là một lợi thế rất lớn trong việc phát triển du lịch, thu hút du khách thập phương khám phá, trải nghiệm cảnh sắc thiên nhiên, con người, văn hóa bản địa.
Cùng với những khó khăn, thách thức trong bước đầu vận hành chính quyền cấp 2, là những cơ hội mới trong việc phát triển vùng một cách đồng bộ và sát sao hơn. Với định hướng, vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng người dân thì việc khai thác tiềm năng, lợi thế trong phát triển kinh tế ổn định, bền vững sẽ không xa.