Một số sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh đã từng bước khẳng định vị thế trên thị trường, dần xây dựng niềm tin từ người tiêu dùng như: thịt trâu sấy của huyện Mường Chà; gạo nếp nương, bánh khẩu xén Mường Lay; dứa Mường Chà; chè Tủa Chùa, gạo Điện Biên…
Cơ sở chế biến Lò Duyên, thị trấn Mường Chà (huyện Mường Chà) là một trong những đơn vị tiên phong phát triển đặc sản địa phương thành sản phẩm OCOP có giá trị. Chủ thể đã mạnh dạn đầu tư hệ thống cơ sở vật chất hiện đại, đồng thời chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm.
Chị Lò Thị Duyên, chủ cơ sở sản xuất thịt trâu sấy cho biết: Năm 2022, sản phẩm thịt trâu sấy của chúng tôi đã được chứng nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao. Để nâng cao chất lượng và uy tín sản phẩm, chúng tôi đặc biệt chú trọng đến khâu lựa chọn nguyên liệu, đảm bảo quy trình chế biến an toàn thực phẩm. Bao bì sản phẩm cũng được thiết kế chuyên nghiệp, mỗi sản phẩm đều có thông tin rõ ràng về nguồn gốc và hạn sử dụng để người tiêu dùng yên tâm lựa chọn.
Ngoài những sản phẩm OCOP sản xuất bài bản, hiệu quả, thực tế cho thấy phần lớn sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh vẫn mang tính tự phát, sản xuất thủ công với quy mô nhỏ lẻ. Chất lượng và mẫu mã của sản phẩm hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu thị trường, dẫn đến sức cạnh tranh yếu. Nhiều sản phẩm chưa được xây dựng thương hiệu bài bản, thiếu thông tin công bố chất lượng rõ ràng, trong khi đầu ra gặp nhiều khó khăn.
Một số sản phẩm dù đã được chứng nhận OCOP 3 đến 4 sao nhưng lại nhanh chóng "chết yểu", bị người tiêu dùng lãng quên. Điều này phản ánh thực tế quá trình phát triển sản phẩm OCOP ở nhiều nơi vẫn mang tính phong trào, chạy theo thành tích thay vì dựa trên nghiên cứu thực tế về nhu cầu thị trường, hành vi tiêu dùng và năng lực sản xuất bền vững của các chủ thể. Nhiều sản phẩm chỉ chú trọng hoàn thiện hồ sơ để đạt "sao" mà thiếu chiến lược đầu tư dài hạn cho khâu tiêu thụ, marketing, đổi mới mẫu mã hay nâng cao năng lực quản lý sản xuất.
Một ví dụ điển hình là sản phẩm gạo nếp nương của Hợp tác xã Tâm Thiện, đạt chuẩn OCOP 3 sao năm 2022. Mặc dù được đánh giá cao về chất lượng và thu hút nhiều người tiêu dùng, nhưng vài năm gần đây, diện tích trồng nếp nương đã giảm đáng kể, sản lượng không ổn định. Diện tích trồng nếp nương giảm khoảng 70%, từ 1.061ha năm 2020 xuống còn khoảng 400ha, sản lượng trung bình chỉ đạt 300-500 tấn/năm. Sự giảm sút diện tích canh tác đã khiến nguồn cung không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường, gây khó khăn trong việc duy trì sản xuất ổn định của sản phẩm.
Tương tự, sản phẩm bí xanh Tìa Dình đạt chuẩn OCOP 3 sao năm 2023, cũng đang đối mặt với nguy cơ mất chuẩn do sự thiếu ổn định trong chuỗi cung ứng nguyên liệu. Sản phẩm được tiêu thụ ở trong tỉnh và các tỉnh lân cận, nhưng khó khăn trong việc duy trì diện tích sản xuất và đảm bảo chất lượng khiến sản phẩm khó giữ vững chứng nhận OCOP. Bên cạnh đó, việc trồng và thu hoạch bí xanh, người dân liên kết chưa tuân thủ yêu cầu kĩ thuật, dẫn đến không đạt yêu cầu. Ngoài ra, còn tình trạng phá vỡ hợp đồng liên kết do sự chênh lệch giá bán với đơn vị bao tiêu sản phẩm so với giá thị trường.
Một nguyên nhân khác khiến sản phẩm OCOP khó phát triển bền vững là việc nhiều chủ thể chưa chú trọng xúc tiến thương mại, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
Hiện nay chủ thể các sản phẩm OCOP chủ yếu là hợp tác xã nhỏ, vừa và chủ thể là người dân, vì vậy, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin và tham gia các sàn thương mại điện tử còn hạn chế. Nhiều chủ thể không có đủ nguồn lực và nhân lực có trình độ chuyên môn để áp dụng phần mềm quản lý sản phẩm, ghi nhãn hàng hóa, truy xuất nguồn gốc hay tham gia các nền tảng bán hàng trực tuyến. Việc quảng bá và xúc tiến thương mại chưa được chú trọng đúng mức, dẫn đến việc sản phẩm OCOP chưa được tiếp cận với thị trường rộng lớn qua các kênh bán hàng trực tuyến.
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh xác định mục tiêu phát triển các sản phẩm OCOP gắn với các lĩnh vực du lịch, dịch vụ; chọn lọc sản phẩm tiềm năng để đầu tư trọng điểm, hỗ trợ về đào tạo, xây dựng chuỗi liên kết, mở rộng vùng nguyên liệu và ứng dụng công nghệ. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có ít nhất 90 - 100 sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 4 sao cấp tỉnh, 5 - 7 sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao cấp quốc gia, và 100% sản phẩm được truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh các chỉ tiêu định lượng, yếu tố quan trọng nhất vẫn là phát triển sản phẩm một cách thực chất, dựa trên nhu cầu thị trường, tiềm lực sản xuất của chủ thể và giá trị văn hóa đặc trưng của địa phương.
Chương trình OCOP không chỉ là danh hiệu mà còn là cam kết về chất lượng sản phẩm và kỳ vọng về sự phát triển bền vững của khu vực nông thôn. Để đạt được mục tiêu này, cần thay đổi tư duy phát triển, từ việc chạy theo số lượng sang tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm; xây dựng thương hiệu bài bản, đầu tư dài hạn, ứng dụng công nghệ trong marketing và xúc tiến thương mại. Đó là trách nhiệm của cả chính quyền và các chủ thể sản xuất, để chương trình OCOP thực sự đóng góp vào sự phát triển kinh tế nông thôn một cách hiệu quả và lâu dài. Chỉ khi những sản phẩm OCOP mang lại giá trị thực, gắn bó bền vững với người tiêu dùng và thị trường, thì chương trình mới đạt được mục tiêu phát triển kinh tế nông thôn bền vững.