Theo số liệu của Sở Công Thương, hiện nay toàn tỉnh có 41 chợ đang hoạt động, các chợ đều nằm trong quy hoạch, hoạt động chủ yếu là bán lẻ hàng tiêu dùng phục vụ nhu cầu của dân cư nội vùng; 100% chợ được đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước. Xét theo phương thức kinh doanh, 100% là chợ dân sinh. Về quy mô, có 3 chợ hạng II; 38 chợ hạng III.
Thời gian qua, công tác quản lý và phát triển chợ trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến góp phần thúc đẩy sản xuất, phát triển dịch vụ, lưu thông hàng hóa, phục vụ tốt đời sống của nhân dân. Năm 2024, xây dựng mới và hoàn thành đưa vào sử dụng: Chợ trung tâm xã Búng Lao (huyện Mường Ảng) với diện tích xây dựng 5.000m2, tổng vốn đầu tư từ ngân sách địa phương 7 tỷ đồng; chợ Pu Nhi (huyện Điện Biên Đông), tổng vốn đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 1 tỷ đồng. Hiện nay, tỉnh đang triển khai xây dựng và chuẩn bị đưa vào sử dụng Chợ Thương mại dịch vụ Mường Thanh với tổng vốn đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách trên 193 tỷ đồng.
Chợ Trung tâm 1 là một trong 10 chợ trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ. Chị Hoàng Thị Lan, Ban quản lý chợ Trung tâm 1 cho biết: Hiện nay, chợ Trung tâm 1 có 100 hộ vừa ở vừa kinh doanh. Đây là chợ có vai trò quan trọng, góp phần đáng kể trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cùng với cách bán hàng truyền thống, tại chợ Trung tâm 1 đã xây dựng mô hình chợ 4.0 góp phần thúc đẩy giao thương, buôn bán hàng hóa.
Huyện vùng cao Tủa Chùa hiện nay có 4 chợ hạng III, chủ yếu họp theo phiên. Tại các chợ phiên vùng cao có nhiều tiểu thương miền xuôi đưa những sản phẩm thiết yếu (quần áo, đồ gia dụng) đến bày bán đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân.
Anh Mùa A Di, người dân xã Xá Nhè (huyện Tủa Chùa) cho biết: Trước đây, hàng hóa khan hiếm, muốn mua gì cũng khó. Những năm gần đây, chợ phiên Xá Nhè phát triển và mở rộng, chúng tôi không phải đi ra huyện để mua đồ dùng thiết yếu. Đồng thời bán được nông sản mình làm ra để thêm thu nhập.
Hiện nay, mạng lưới phân phối hàng hóa tại các chợ tiếp tục phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu, cơ sở vật chất từng bước được cải tạo, đầu tư xây dựng mới. Việc hình thành chợ tương đối đồng đều ở các vùng, góp phần từng bước rút ngắn khoảng cách kinh tế - xã hội giữa thành thị và nông thôn, giữa khu vực đồng bằng với vùng núi, vùng sâu, vùng xa.
Chợ nông thôn là một trong những tiêu chí bắt buộc trong xây dựng nông thôn mới. Do vậy, các địa phương đều đưa chợ vào trong quy hoạch để xây dựng, song trên thực tế nhiều chợ đang trong thực trạng “có cũng như không”. Một số chợ vẫn mọc lên khi vị trí xây dựng chưa phù hợp, đầu tư thiếu đồng bộ, chưa khảo sát đầy đủ nhu cầu và thói quen mua bán của người dân.
Chợ Trung tâm C13, phường Thanh Trường, TP. Điện Biên Phủ thuộc dự án “Nâng cấp, xây dựng chợ C13 giai đoạn II, phường Thanh Trường” có tổng mức đầu tư trên 13 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án các công trình TP. Điện Biên Phủ làm chủ đầu tư. Công trình được đưa vào sử dụng từ tháng 12/2023 và bàn giao cho phường Thanh Trường quản lý, khai thác sử dụng theo quy định từ tháng 4/2024 với quy mô 120 gian hàng và khu vực bán hàng ngoài trời rộng 420m2. Tuy nhiên, đến nay chợ C13 chỉ có hơn 10 gian hàng được ký hợp đồng thuê, còn nhiều ki ốt bỏ trống.
Tại chợ Mường Phăng, xã Mường Phăng (TP. Điện Biên Phủ) có diện tích 1.470m2, với tổng vốn đầu tư 2,99 tỷ đồng được bàn giao đưa vào quản lý, sử dụng từ ngày 13/10/2023. Sau hơn 1 năm hoạt động, đến nay chợ Mường Phăng được đánh giá không hiệu quả khi số lượng người mua, bán rất ít, nhiều ki ốt trong chợ bỏ trống.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến một số chợ được đầu tư nhưng hoạt động không hiệu quả. Tình trạng người dân lấn chiếm hành lang giao thông làm điểm buôn bán, kinh doanh còn diễn ra, hình thành “chợ cóc”; sự buông lỏng của chính quyền địa phương. Cùng với đó là mô hình chợ không phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân. Điển hình, chợ Trung tâm C13 được xây dựng theo hướng thương mại dịch vụ, dẫn đến chi phí thuê mặt bằng cao. Trong khi mức tiêu thụ hàng hóa tại khu vực lại không tương xứng dẫn đến việc kinh doanh gặp khó khăn.
Để phát triển và khai thác có hiệu quả hệ thống chợ nông thôn, Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát đánh giá thực tế nhu cầu của từng địa phương. Trước mắt ưu tiên đầu tư các chợ đang hoạt động có hiệu quả nhưng chưa được đầu tư hoặc đã được đầu tư nhưng xuống cấp, quá tải; những chợ tại khu dân cư có nhu cầu bức thiết về chợ. Phân theo giai đoạn đầu tư đối với từng chợ để làm cơ sở bố trí nguồn vốn hoặc kêu gọi các nguồn xã hội hóa. Chính quyền các địa phương cần có giải pháp quản lý hoạt động chợ trên địa bàn hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực; giải tỏa hết chợ tạm, “chợ cóc” gây mất trật tự, ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, cần chuyển đổi mô hình quản lý chợ để kinh doanh hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Quy hoạch chợ nông thôn song song với việc dự báo lưu lượng người bán, người mua cụ thể. Cần khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào chợ dân sinh tại vùng nông thôn theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân lưu thông hàng hóa.