ĐBP - Trước tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giảm năng suất, sản lượng và chất lượng cây trồng. Nhằm giảm thiểu rủi ro, thiệt hại do thiên tai, ngành Nông nghiệp và chính quyền các địa phương khuyến cáo, hướng dẫn người dân phát triển sản xuất theo hướng chủ động, ứng dụng khoa học công nghệ, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng đang trở thành giải pháp chiến lược của nông nghiệp tỉnh Điện Biên. Các địa phương tích cực hỗ trợ nông dân lựa chọn giống cây phù hợp điều kiện khí hậu và nhu cầu thị trường, góp phần đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao thu nhập.
Năm 2024, toàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi 2.668,22ha đất trồng lúa sang các loại cây trồng khác. Trong đó, chuyển đổi 2.216,3ha trồng cây hàng năm; 451,73ha trồng cây lâu năm và 0,19ha nuôi trồng thủy sản.
Với đặc thù địa hình đồi núi dốc, nhiều năm qua người dân xã Pu Nhi chủ yếu canh tác luân canh ngô, lúa nương, sắn. Tuy nhiên, do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, đất đai bạc màu khiến năng suất cây trồng giảm.
Trước thực trạng đó, UBND xã Pu Nhi phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường triển khai các mô hình trồng cây ăn quả như: Lê, mắc coọc, đào... trên đất nương. Sau khi mô hình thử nghiệm thành công, UBND xã khuyến khích người dân mở rộng diện tích cây ăn quả thay thế cây trồng kém hiệu quả. Đến nay, toàn xã có 32ha cây ăn quả, trong đó cây lê vàng chiếm 28ha. Nhiều diện tích cây ăn quả đã cho thu hoạch, giúp người dân tăng thu nhập và mở ra hướng phát triển nông nghiệp bền vững cho Pu Nhi.
Là hộ tiên phong chuyển đổi cây trồng trên đất nương, ông Lò Văn Dung (bản Nà Ngám, xã Pu Nhi) hiện sở hữu hơn 1.000 cây ăn quả, trong đó 300 cây lê vàng đã cho thu hoạch. Theo ông Dung, giống lê vàng và mắc coọc phù hợp với khí hậu, đất đai địa phương, phát triển tốt, ít sâu bệnh và cho năng suất cao. Trung bình mỗi cây lê cho 70kg quả, giá bán 13.000 - 15.000 đồng/kg, tạo thêm nguồn thu lớn cho gia đình.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Môi trường, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng không chỉ giúp ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, mà còn nâng giá trị sản xuất gấp 3 - 5 lần so với trồng lúa nương. Hiện nay, nhận thức của người dân về chuyển đổi sản xuất đang dần thay đổi, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng nâng cao thu nhập. Qua đó từng bước hình thành vùng sản xuất chuyên canh cây ăn quả, rau màu, cà phê, mắc ca… tạo nền tảng phát triển nông nghiệp bền vững.
Cùng với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, các địa phương hiện đang ưu tiên sử dụng giống ngắn ngày nhằm giảm thiểu rủi ro từ thời tiết, sâu bệnh, thiên tai. Những giống này có thời gian sinh trưởng ngắn, thu hoạch nhanh, hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.
Trước đây, gia đình chị Nguyễn Thị Thu, thôn A1 (xã Thanh Yên) canh tác gần 8.000m2 lúa một vụ. Khoảng 5 năm trở lại đây, chị Thu chuyển từ trồng lúa sang các giống cây trồng ngắn ngày như: Rau, cà, ngô. Đồng thời, chị Thu áp dụng sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, kết hợp công nghệ phủ ni lông và tưới nhỏ giọt. Nhờ đó, cây trồng sinh trưởng tốt, giảm sâu bệnh, cho hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng lúa nước.
Chị Nguyễn Thị Thu cho biết: “Chuyển đổi từ trồng lúa sang rau màu ngắn ngày, tôi canh tác được 3 vụ/năm, gồm: 2 vụ rau và 1 vụ ngô. Trung bình mỗi năm tôi thu hoạch 5 - 6 tấn cà chua, 4 tấn mướp đắng, 2 tấn bắp cải và 2 - 3 tấn đỗ, mang lại thu nhập khoảng 100 triệu đồng. Dù công chăm sóc nhiều hơn, song hiệu quả kinh tế vượt trội giúp gia đình ổn định cuộc sống”.
Năm 2024, chị Trần Thị Lê (thôn A1, xã Thanh Yên) đã chuyển 800m2 đất lúa một vụ sang trồng ớt J xanh theo mô hình liên kết. Với năng suất ước đạt hơn 51 tấn/ha, giá bán dao động từ 2.900 - 6.600 đồng/kg tùy loại, trừ chi phí, 1.000m2 trồng ớt J xanh cho lãi 20 - 23 triệu đồng.
Dự báo biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, ngành nông nghiệp tỉnh Điện Biên đang đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nông dân chuyển đổi phương thức sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, hình thành mô hình canh tác thích ứng khí hậu, bền vững và hiệu quả.