Cứ đến ngày 13 hằng tháng, tổ giao dịch xã là cán bộ của Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Điện Biên có mặt tại UBND xã Na Tông. Đây là lịch giao dịch cố định, kể cả ngày nghỉ cuối tuần, “đến hẹn” là cán bộ ngân hàng có mặt đúng giờ để thực hiện giải ngân, thu nợ, thu lãi, thu tiết kiệm... cho người dân trong xã. Vốn là xã khó khăn, lại cách trung tâm huyện hơn 30km, chính vì thế, điểm giao dịch của NHCSXH tại xã có ý nghĩa rất lớn đối với người dân ở Na Tông.
Chị Vừ Thị Mua, bản Huổi Chanh cho biết: “Hiện tôi vay 40 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo để mở rộng chăn nuôi trâu. Với mục đích không để dồn tiền đến cuối kỳ hạn nên mỗi tháng ngoài các khoản tiền lãi, gửi tiết kiệm, tôi còn dành dụm thêm để trả bớt nợ gốc. Việc thực hiện giao dịch ngay tại trụ sở UBND xã vào một ngày cố định trong tháng giúp gia đình tôi chủ động trong việc chuẩn bị nguồn tiền trả ngân hàng đúng thời gian quy định, tiết kiệm thời gian đi lại. Đến đây giao dịch tôi còn trực tiếp được nghe cán bộ ngân hàng tuyên truyền, hướng dẫn cách sử dụng vốn vay để phát huy hiệu quả".
Để hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận dễ dàng, thuận tiện với nguồn vốn và các dịch vụ do NHCSXH cung cấp, hiện nay, NHCSXH huyện Điện Biên đang tổ chức thực hiện tốt 21 Điểm giao dịch tại 21 xã trên địa bàn huyện. Mỗi điểm giao dịch bố trí từ 4 - 5 cán bộ phụ trách, thời gian giao dịch tại mỗi xã được chia theo từng ngày cụ thể từ ngày 5 - 23 hằng tháng. Cứ đến phiên giao dịch, dù ngày nắng hay mưa, thứ 7 hay chủ nhật cán bộ NHCSXH huyện luôn có mặt đúng thời gian quy định.
Các thành viên của Tổ giao dịch tại xã được phân công thực hiện đúng quy trình và trang bị đầy đủ trang thiết bị, công cụ, dụng cụ hỗ trợ nhằm đảm bảo tính chính xác, nhanh chóng nhất. Tại mỗi Điểm giao dịch xã, NHCSXH huyện Điện Biên phối hợp với các đơn vị nhận ủy thác tổ chức phiên giao dịch với các hoạt động cho vay, thu nợ, thu lãi, thu chi tiền gửi, huy động tiền gửi tiết kiệm dân cư…. Tổ chức họp giao ban hàng tháng với lãnh đạo UBND xã, các hội đoàn thể nhận ủy thác và Tổ trưởng Tổ TK&VV để đánh giá kết quả đạt được tháng trước, triển khai công việc tháng tiếp theo; kịp thời nắm bắt thông tin liên quan đến quản lý vốn tín dụng, trao đổi tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, tuyên truyền phổ biến chính sách mới.
Để người dân dễ dàng tiếp cận, nắm bắt thông tin về chính sách cho vay tín dụng ưu đãi, NHCSXH huyện phối hợp với các xã, bố trí bảng thông tin, niêm yết công khai đầy đủ ngày/giờ giao dịch, các văn bản mới về chính sách tín dụng ưu đãi, quy trình thủ tục giải quyết công việc, không để xảy ra mất mát tiền, tài sản tại điểm giao dịch cũng như trên đường vận chuyển.
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc NHCSXH huyện Điện Biên thông tin: “Mỗi năm đơn vị tổ chức hơn 250 phiên giao dịch tại các điểm giao dịch xã, góp phần chuyển tải nguồn vốn đến tận 275 thôn, bản trên địa bàn 21 xã của huyện. Tổng dư nợ tín dụng của đơn vị tính đến ngày 11/5/2025 đạt trên 930 tỷ đồng với hơn 12.680 khách hàng vay vốn. Nhờ tổ chức tốt các điểm giao dịch tại xã, công tác tín dụng đã phát huy hiệu quả, chất lượng tín dụng nâng lên, tăng khả năng thu nợ, giảm nợ quá hạn. Thông qua tổ giao dịch xã, khách hàng không chỉ được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi mà còn được hướng dẫn cách sử dụng đồng vốn đúng mục đích, có hiệu quả. Nhiều hộ đã thay đổi cách nghĩ, cách làm, vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống”.
Với cách thức hoạt động “phục vụ tại nhà, giải ngân, thu nợ tại xã”, Điểm giao dịch xã của NHCSXH huyện Điện Biên không chỉ là cầu nối giúp đưa đồng vốn ưu đãi đến tay người dân một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất mà còn thể hiện tinh thần trách nhiệm của cán bộ ngân hàng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhất là người dân sinh sống ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn.