Tăng cường quản lý đất đai trong quá trình sáp nhập đơn vị hành chính
11:17 27/05/2025
ĐBP - Ủy ban Nhân dân tỉnh vừa ban hành Chỉ thị số 2306/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh trong quá trình thực hiện sáp nhập, sắp xếp đơn vị hành chính các cấp, nhằm ngăn chặn kịp thời tình trạng lợi dụng việc tổ chức lại đơn vị hành chính để lấn chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, xây dựng công trình không đúng quy định và đảm bảo hiệu quả quản lý đất đai tại địa phương.
Chỉ thị yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành thuộc tỉnh; chủ tịch
UBND các huyện, thị xã, thành phố; chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn tiếp tục
quán triệt, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng,
tài sản công và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Tình trạng
lợi dụng thời điểm sắp xếp đơn vị hành chính để vi phạm trong quản lý, sử dụng
đất phải được phát hiện, xử lý kịp thời, dứt điểm.
Một góc cánh đồng Mường Thanh và khu vực dân cư xã Thanh An (huyện Điện Biên) nhìn từ trên cao. Ảnh: Trần Dũng
Duy trì hiệu quả công tác quản lý, không để xảy ra gián đoạn
hay buông lỏng trong quá trình sắp xếp, đảm bảo giải quyết nhanh chóng các thủ
tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp. Các đơn vị được giao nhiệm vụ cần
chủ động phối hợp để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi trục lợi từ
thông tin sáp nhập hành chính.
Đặc biệt, công tác tuyên truyền, định hướng dư luận cần được
tăng cường, hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục về đất đai theo đúng quy
định; đồng thời kêu gọi người dân cung cấp thông tin, tố giác các hành vi kích
động, xúi giục gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Người dân cần liên hệ cơ quan
chức năng để được hướng dẫn, giải quyết theo thẩm quyền khi thực hiện các thủ tục
về đất đai.
Thủ trưởng các cơ quan, chủ tịch UBND các cấp phải chịu
trách nhiệm trước UBND tỉnh và trước pháp luật về công tác quản lý đất đai
trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao. Lãnh đạo các cấp cơ sở nâng cao
trách nhiệm, không né tránh, đùn đẩy, chủ động ngăn chặn, xử lý vi phạm ngay từ
đầu, từ xa. Công tác thanh tra, kiểm tra đất đai phải được tăng cường; cần phân
công cán bộ theo dõi địa bàn, phát hiện sớm và xử lý dứt điểm các vi phạm,
không để kéo dài hay phát sinh vi phạm mới.
UBND tỉnh yêu cầu tuyệt đối không để xảy ra tình trạng xây dựng
trái phép trên đất nông nghiệp, đất hành lang bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều,
bãi sông, hành lang giao thông… Các trường hợp vi phạm phải bị buộc khôi phục lại
hiện trạng ban đầu theo đúng quy định pháp luật.
Các địa phương khẩn trương rà soát, thống kê tình hình biến
động đất đai, báo cáo kịp thời về UBND tỉnh qua Sở Nông nghiệp và Môi trường nếu
phát hiện bất thường để được chỉ đạo xử lý. Công an tỉnh được giao chỉ đạo các
lực lượng nắm chắc tình hình an ninh trật tự, phối hợp với các cơ quan liên
quan trong kiểm tra, cưỡng chế, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật đất đai, đồng
thời đấu tranh với các hành vi tổ chức, tiếp tay sử dụng đất trái phép.
Sở Xây dựng, Sở
Tài chính cùng các đơn vị chức năng phối hợp chặt chẽ với các địa phương, hướng
dẫn, tháo gỡ khó khăn, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định pháp luật. Trong quá
trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, cần kịp thời báo cáo về đơn vị thường trực là Sở Nông
nghiệp và Môi trường để được hướng dẫn hoặc tổng hợp, trình UBND tỉnh xem xét,
chỉ đạo.