Cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Tủa Chùa giúp người dân cụm dân cư Háng Khúa, thôn Páo Tỉnh Làng 2, xã Tả Sìn Thàng tháo dỡ nhà cửa ra khỏi vùng nguy cơ sạt lở đất.
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết cực đoan, đặc biệt là lũ quét, sạt lở đất gia tăng trong mùa mưa bão, các địa phương đã chủ động triển khai các biện pháp di dời dân và tài sản khỏi vùng nguy hiểm. Nhằm bảo đảm an toàn cho người dân, đầu tháng 5 vừa qua, cơ quan chức năng, lực lượng vũ trang huyện Tủa Chùa đã phối hợp với chính quyền xã Tả Sìn Thàng hỗ trợ di dời 20 hộ dân thuộc cụm dân cư Háng Khúa, thôn Páo Tỉnh Làng 2 ra khỏi khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất.
Ông Trần Thanh Bình, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Tủa Chùa cho biết: Việc di dời người dân và tài sản khỏi vùng nguy hiểm là nhiệm vụ vô cùng cấp thiết. Chính vì vậy, chúng tôi đã tham mưu cho UBND huyện các phương án nhanh chóng đưa người dân đến vùng an toàn, đảm bảo về tính mạng và ổn định đời sống cho bà con. Các địa bàn có nguy cơ cao như cụm dân cư Háng Khúa, chúng tôi đã rà soát và kịp thời di dời người dân trước mùa mưa. Dưới sự hỗ trợ của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang huyện, đến nay, chúng tôi đã di dời nhà cửa, tài sản của 20 hộ dân tại cụm dân cư Háng Khúa ra khỏi khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; đảm bảo cuộc sống ổn định, an toàn cho bà con.
Dự báo năm 2025, tình hình thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sản xuất. Trước thực trạng đó, UBND tỉnh đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác phòng, chống thiên tai, trong đó chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng và cảnh báo sớm các hiện tượng thời tiết nguy hiểm. Cơ quan chức năng khẩn trương rà soát, củng cố đê điều, công trình thủy lợi, kiên cố hóa giao thông xung yếu, kiểm tra các khu vực có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở để có phương án xử lý kịp thời. Đối với các hồ chứa thủy lợi, thủy điện, tỉnh cũng yêu cầu đảm bảo vận hành đúng quy trình, duy trì dòng chảy tối thiểu và có kế hoạch xả lũ hợp lý để bảo vệ vùng hạ du. Các lực lượng cứu hộ, cứu nạn như quân đội, công an phải sẵn sàng ứng phó, đảm bảo lực lượng, phương tiện và vật tư khi có sự cố xảy ra. Trong đó, đặc biệt chú ý đến công tác sơ tán dân cư ra khỏi vùng nguy hiểm, nhất là những nơi dễ xảy ra sạt lở, lũ quét.
Ông Nguyễn Trọng Huế, Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Điện Biên Đông cho biết: Trước dự báo mùa mưa lũ năm nay có thể diễn biến phức tạp, đơn vị đã chủ động tham mưu cho UBND huyện triển khai nhiều biện pháp phòng, chống thiên tai. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng phương án ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ” gồm: Nhân lực tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ và vật tư tại chỗ. Đồng thời, các địa phương cũng được yêu cầu củng cố, kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, chuẩn bị đầy đủ vật tư, lực lượng sẵn sàng ứng phó khi thiên tai xảy ra…
Cùng với việc chủ động triển khai các phương án nhằm đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa mưa bão, từ nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương bổ sung, tỉnh Điện Biên triển khai dự án bố trí dân cư và bảo vệ hạ tầng, bảo đảm an toàn các vùng có nguy cơ xảy ra thiên tai. UBND tỉnh vừa phê duyệt chủ trương đầu tư hàng loạt dự án trọng điểm nhằm khắc phục hậu quả thiên tai và phòng, chống sạt lở đất tại nhiều huyện trong tỉnh.
Cụ thể, trên địa bàn huyện Điện Biên Đông sẽ triển khai các dự án gồm: Kè bảo vệ khu dân cư bản Suối Lư I, II, III (xã Keo Lôm) và kè chống sạt lở khu trung tâm xã Tìa Dình được đầu tư với tổng kinh phí 33 tỷ đồng. Các công trình có kết cấu bê tông, bê tông cốt thép góp phần bảo vệ hơn 280 hộ dân, trên 1.300 nhân khẩu và các trụ sở công cộng quan trọng. Tại huyện Điện Biên, tỉnh cũng triển khai dự án kè chỉnh trị dòng chảy từ bản Mường Pồn 1, 2 đến bản Tin Tốc (xã Mường Pồn) với tổng vốn 83,5 tỷ đồng, chiều dài tuyến kè khoảng 7km. Dự án này nhằm bảo vệ đất sản xuất, nhà cửa và ổn định dòng chảy cho 90 hộ dân. Huyện Nậm Pồ được đầu tư 17 tỷ đồng để bố trí dân cư vùng thiên tai bản Phìn Hồ, trong đó có các hạng mục san nền, nhà lớp học, đường giao thông, cấp điện và nước sinh hoạt. Hai dự án chống sạt lở, sửa chữa mặt đường tại xã Tỏa Tình và xã Mường Khong (huyện Tuần Giáo) cũng được triển khai với tổng chiều dài gần 3,2km, giúp đảm bảo an toàn giao thông và thích ứng với biến đổi khí hậu…
Việc triển khai các dự án bố trí dân cư và bảo vệ hạ tầng để đảm bảo an toàn cho các khu vực có nguy cơ bị thiên tai là giải pháp lâu dài. Trước mắt, các địa phương cần chủ động chuẩn bị các phương tiện cần thiết cho công tác phòng chống lũ bão, đồng thời theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, đặc biệt tại những khu vực nguy cơ lũ quét và sạt lở đất. Cơ quan chức năng cần xây dựng kế hoạch phòng tránh và thông báo kịp thời để người dân sơ tán an toàn. Bên cạnh sự vào cuộc của chính quyền, mỗi người dân cần tự cập nhật thông tin thời tiết và thủy văn qua các phương tiện thông tin đại chúng để có giải pháp ứng phó, bảo vệ an toàn cho tính mạng và tài sản trong mùa mưa lũ.