Tại Hội nghị Tổng kết công tác PCTT&TKCN năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh vừa qua đã thống nhất quan điểm: Tính chủ động là yếu tố then chốt, quyết định hiệu quả của công tác phòng ngừa và ứng phó với thiên tai.
Một bài học điển hình về tính chủ động đã được hội nghị phân tích - đó là câu chuyện của anh Ma Seo Chứ, Trưởng thôn Kho Vàng (xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai) - người đã giúp cả thôn (17 hộ với 115 nhân khẩu) thoát khỏi thiệt hại do sạt lở đất.
Cụ thể, ngày 9/9/2024, ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 khiến mưa lớn trút xuống như thác đổ trên các dãy núi, triền đồi phía sau khu dân cư thôn Kho Vàng. Nhận thấy tình hình bất thường, anh Ma Seo Chứ đã chủ động kiểm tra và phát hiện một vết nứt dài khoảng 30 - 40m, dấu hiệu rõ rệt của nguy cơ sạt lở. Anh đã vận động và trực tiếp người dân trong thôn di chuyển đến nơi an toàn, cách nơi ở cũ khoảng 1km. Chỉ một ngày sau (10/9), hàng trăm nghìn khối đất đá từ triền núi sạt lở, cuốn phăng toàn bộ thôn Kho Vàng. Nếu không có sự chủ động, quyết đoán và tinh thần trách nhiệm cao của anh Ma Seo Chứ, hậu quả chắc chắn sẽ vô cùng thảm khốc.
Qua câu chuyện thực tế đó, Đại tá Lại Mạnh Hùng, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh - Cơ quan thường trực ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh khẳng định: Khi có sự chủ động thì chúng ta có thể làm chủ mọi tình huống, chủ động ứng phó để giảm thiểu thiệt hại trước thiên tai. Vì vậy, các cấp ủy, chính quyền, lực lượng chức năng cần coi trọng tính chủ động về: Xây dựng phương án, chuẩn bị lực lượng, phương tiện, tổ chức diễn tập ứng phó; đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức, xóa bỏ tâm lý chủ quan trong nhân dân, đảm bảo hiệu quả, đồng bộ trong triển khai nhiệm vụ.
Ngay từ đầu năm 2025, UBND huyện Tủa Chùa đã chỉ đạo các xã, thị trấn phối hợp với cơ quan chuyên môn rà soát, xác định các khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để chủ động xây dựng phương án di dời dân trước mùa mưa. Qua kiểm tra, tại cụm dân cư Háng Khúa, thôn Páo Tỉnh Làng 2 (xã Tả Sìn Thàng), lực lượng chức năng phát hiện vết nứt rộng 1m, dài 800m.
Xác định tính chất cấp bách, trong tháng 4 vừa qua, UBND huyện Tủa Chùa đã tổ chức di dời khẩn cấp toàn bộ 20 hộ dân với 118 nhân khẩu đến nơi ở an toàn. Từ ngày 15/4, trong vòng 20 ngày, huyện đã huy động 81 cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Công an xã và 65 dân quân xã để hỗ trợ người dân tháo dỡ, di chuyển nhà và tài sản.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa cho biết: UBND huyện đã trích ngân sách hỗ trợ mỗi hộ dân 50 triệu đồng, đồng thời huy động lực lượng tại chỗ đảm bảo toàn bộ các hộ dân được di dời an toàn. Tính đến nay, 100% người dân, tài sản đã được chuyển đến nơi ở mới. Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, huyện cũng đã hỗ trợ 21 hộ dân khác, mỗi hộ 30 triệu đồng, để di dời khỏi vùng có nguy cơ thiên tai.
Xã Mường Mươn (huyện Mường Chà) hiện có khoảng 80 hộ dân sinh sống tại các khu vực tiềm ẩn nguy cơ thiên tai. Ngay từ đầu mùa mưa, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN xã đã chủ động thông báo đến toàn bộ các bản, đặc biệt là những hộ dân trong vùng nguy hiểm nâng cao ý thức cảnh giác và triển khai các phương án phòng, chống thiên tai. Trong những đợt mưa lớn kéo dài, xã duy trì tổ trực 24/24 tại trụ sở, bố trí lực lượng tại chỗ, cơ động tại 11/11 bản, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống. Đồng thời, các hộ dân ở khu vực nguy hiểm được yêu cầu di dời đến nơi an toàn, người dân đi nương xa cũng được thông báo trở về trú tránh kịp thời.
Mùa mưa năm 2024, cung trượt tại bản Mường Mươn 2 (xã Mường Mươn) đã xảy ra sạt lở khiến đất đá tràn vào khu vực nhà ông Lò Văn Xuân. Chính quyền xã đã hỗ trợ ông Xuân di chuyển nhà ra xa vị trí cũ khoảng 10m. Tuy nhiên, khu vực này vẫn tiềm ẩn rủi ro cao, do đó UBND xã tiếp tục tuyên truyền, vận động và đề nghị ông Xuân ký cam kết di dời đến nơi an toàn trong mùa mưa năm 2025.
Ông Lò Văn Xuân cho biết: “Từ đầu năm, tôi đã chủ động thuê máy xúc bạt bớt taluy dương để giảm nguy cơ sạt lở. Tuy nhiên nếu mùa mưa năm nay tiếp tục diễn biến phức tạp, gia đình tôi sẽ thực hiện đúng cam kết với UBND xã, di dời đến nơi an toàn”.
Từ đầu năm 2025 đến nay, toàn tỉnh đã chịu ảnh hưởng của 5 đợt thiên tai, làm 2 người bị thương và gây thiệt hại tài sản khoảng 5,8 tỷ đồng. Khi bước vào mùa mưa, tình hình thiên tai được dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp, với nhiều loại hình nguy hiểm như lũ quét, sạt lở đất, lũ ống.
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ PCTT&TKCN năm 2025, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lò Văn Cương đề nghị các cấp, ngành, địa phương cần chủ động rà soát, hoàn thiện và triển khai các phương án, kịch bản ứng phó phù hợp với đặc điểm từng khu vực. Đặc biệt, phải tập trung các biện pháp phòng ngừa nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Các địa phương tổ chức ứng phó theo đúng phương châm “4 tại chỗ”, huy động tối đa lực lượng, phương tiện tại chỗ để ứng phó và khắc phục hậu quả kịp thời, hiệu quả. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và kỹ năng ứng phó với thiên tai cho người dân bằng nhiều hình thức. Tại những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ lớn, lũ quét và sạt lở đất, cần xây dựng phương án chi tiết, bố trí sẵn lực lượng, phương tiện và sẵn sàng ứng phó ở mức cao nhất, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ.