Trong khi nhiều doanh nghiệp vẫn loay hoay tìm cách xử lý chất thải rắn thì tại mỏ đá Công ty TNHH Minh Quý Điện Biên, xã Mường Ảng - đơn vị khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường, đã triển khai hiệu quả mô hình khai thác đi kèm tái sử dụng phụ phẩm. Năm 2024, doanh nghiệp bóc tách khoảng 12.547m3 đất đá thải, nhưng đã thu hồi và sử dụng lại 11.612m3 - tương đương 93% lượng thải, phục vụ thi công công trình, giảm thiểu áp lực lên môi trường. “Biến rác thành tiền, chuyển rủi ro môi trường thành giá trị kinh tế” là giải pháp giảm phát thải, góp phần tối ưu hóa chi phí và hạn chế diện tích bãi chôn lấp - điều nhiều địa phương khác đang loay hoay.
Công ty TNHH Minh Quý Điện Biên đã đầu tư các hạng mục xử lý môi trường đồng bộ: Hệ thống phun nước chống bụi, bể chứa nước tưới, rãnh thu gom nước mưa, bể lắng, bể tự hoại xử lý nước thải sinh hoạt. Chất thải nguy hại được phân loại, lưu trữ đúng quy định và ký hợp đồng xử lý với đơn vị chuyên trách. Ngoài ra, công ty đã thực hiện nghĩa vụ tài chính môi trường đầy đủ, bao gồm thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường và ký quỹ phục hồi gần 230 triệu đồng.
Du lịch được tỉnh Điện Biên xác định phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương. Ngành du lịch tỉnh đã xác định bảo vệ môi trường không chỉ là trách nhiệm mà còn là yếu tố cốt lõi để phát triển du lịch một cách bền vững. Với phương châm đó, ngành du lịch Điện Biên đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể, lồng ghép hiệu quả nội dung bảo vệ môi trường vào các hoạt động du lịch trên địa bàn. Công tác tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường được đẩy mạnh, tập trung vào Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản hướng dẫn trong lĩnh vực văn hóa, du lịch.
Nội dung được phổ biến rộng rãi qua cổng thông tin điện tử, màn hình LED, bảng điện tử, mạng xã hội… góp phần nâng cao ý thức cộng đồng. Các hoạt động như: Chiếu phim lưu động, biểu diễn văn nghệ, giao lưu văn hóa - thể thao tại địa phương cũng được lồng ghép nội dung tuyên truyền bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao ý thức của người dân, du khách và cộng đồng trong việc giữ gìn môi trường du lịch xanh - sạch - đẹp.
Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng từ thực tiễn đã xuất hiện những tín hiệu tích cực trong công tác bảo vệ môi trường. Nhiều mô hình sáng tạo được áp dụng nhằm nâng cao ý thức cộng đồng như: Thùng rác phân loại đặt đúng nơi, biển tuyên truyền song ngữ tại lối vào và khu vực nhiều người, một số điểm còn lắp camera giám sát hành vi xả rác… Những thay đổi này đang từng bước góp phần hình thành thói quen văn minh cho cả du khách và người dân địa phương.
Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trong các doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn tỉnh được tăng cường, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm về môi trường theo quy định. Trong 6 tháng đầu năm 2025, toàn tỉnh thực hiện 13 cuộc kiểm tra tại 14 cơ sở, doanh nghiệp; phát hiện 3 trường hợp vi phạm và cơ quan chức năng đã xử phạt 69 triệu đồng.
Không đánh đổi kinh tế lấy môi trường. Bảo vệ môi trường không thể chỉ trông chờ vào chính quyền hay doanh nghiệp. Người dân - người trực tiếp sống trong vùng ảnh hưởng - phải là “cảm biến nhạy bén” của hệ sinh thái. Bảo vệ môi trường là trách nhiệm pháp lý, đạo đức của mọi cá nhân, tổ chức. Doanh nghiệp cần tuân thủ nghiêm các quy định; cơ quan quản lý cần kiểm tra chặt chẽ, xử phạt nghiêm minh; người dân cần chủ động giám sát, phản ánh. Chỉ khi ba yếu tố này phối hợp đồng bộ thì môi trường mới được bảo vệ, thúc đẩy phát triển theo hướng xanh, sạch và bền vững.