Tình trạng cây hoa ban chết không chỉ gây ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh của Điện Biên - một địa phương gắn liền với loài hoa đặc trưng của núi rừng Tây Bắc và Lễ hội Hoa Ban được tổ chức hàng năm. Theo quan sát, nhiều cây hoa ban trên tuyến đường Phạm Văn Đồng, đoạn từ cầu Mường Thanh đến cầu A1 đã trong tình trạng trụi lá, thân cây nứt nẻ, khô mục. Một số cây có đường kính thân lên tới 20 - 40cm nhưng đã hoàn toàn mất sức sống. Những gốc cây còn sót lại mọc không đều, một số cây lụi tàn chỉ sau vài mùa hoa. Tình trạng này không chỉ làm mất đi cảnh quan vốn đẹp của tuyến phố mà còn khiến không ít người dân cảm thấy tiếc nuối.
Là người dân sinh sống phường Điện Biên Phủ, hàng ngày đi qua tuyến đường này, bà Trần Thị Thu không khỏi buồn lòng khi nhìn thấy những cây ban từng rợp bóng, nở hoa rực rỡ mỗi độ tháng ba về nay lại héo úa, trơ trụi. Theo bà, việc cây chết hàng loạt như vậy là điều rất đáng lo ngại, ảnh hưởng đến hình ảnh, thương hiệu du lịch Điện Biên với Lễ hội Hoa Ban; và tất nhiên với người dân địa phương, những người luôn tự hào vì Điện Biên có hoa ban - loài hoa đặc trưng của núi rừng Tây Bắc cũng không khỏi tiếc nuối.
Cũng như bà Thu, ông Phan Thế Tịnh - một người cao tuổi thường đi bộ thể dục buổi sáng trên tuyến đường này cho biết: “Con đường này từng rất đẹp, khi ban nở thơm nhẹ, trắng cả một góc trời. Giờ cây chết nhiều quá, nhìn rất buồn. Tôi mong chính quyền sớm thay thế và chăm sóc tốt hơn để khôi phục lại vẻ đẹp vốn có”.
Không chỉ người dân lớn tuổi, mà cả giới trẻ cũng bày tỏ mong muốn được nhìn thấy hoa ban nở. Em Lò Thị Nga, xã Thanh Nưa chia sẻ: “Chúng em thường chụp ảnh với hoa ban mỗi dịp lễ hội. Nếu cây hoa ở đoạn đường này chết nhiều như vậy, Lễ hội Hoa Ban tới ở đây sẽ không còn rực rỡ như trước sẽ rất đáng tiếc cho hình ảnh của tỉnh nhà”.
Trước thực trạng này, nhiều người dân kiến nghị các cơ quan chức năng cần nhanh chóng có giải pháp cụ thể để phục hồi và phát triển lại hàng cây hoa ban trên đường Phạm Văn Đồng. Một số đề xuất bao gồm việc chặt bỏ các cây đã chết, trồng lại bằng những cây con có nguồn gốc rõ ràng, khỏe mạnh và đồng bộ về kích cỡ, cũng như xây dựng kế hoạch chăm sóc định kỳ để cây phát triển tốt, nhất là trong giai đoạn đầu trồng mới. Việc đầu tư vào hệ thống tưới nước, bón phân, kiểm soát sâu bệnh cũng được đề cập như một yếu tố quan trọng để tránh tái diễn tình trạng cây chết hàng loạt.
Tiếc nuối trước những cây ban to, tồn tại trên tuyến đường bao lâu nay, giờ bị chết khô, bà Lê Thị Hương, phường Điện Biên Phủ bày tỏ: Cây ban có tuổi thọ không cao như nhiều loại cây khác nên sau nhiều năm dễ bị chết. Vì vậy, các cơ quan chuyên môn và địa phương cần quan tâm, chăm sóc để duy trì nét đặc trưng của tỉnh nhà. Nhiều cây ban chết chặt hết cành chỉ còn gốc nhưng cũng chưa được trồng cây thay thế. Nếu để tình trạng cây chết kéo dài mà không có giải pháp thay thế, không chỉ làm xấu đi hình ảnh đô thị, mà còn ảnh hưởng đến hình ảnh với những nét văn hóa mà Điện Biên đang xây dựng. Điều này càng trở nên cấp bách khi thời điểm tổ chức Lễ hội Hoa Ban chỉ còn khoảng hơn 6 tháng nữa. Việc chậm trễ khắc phục sẽ khiến hình ảnh “vùng đất hoa ban” mờ nhạt dần trong mắt du khách.
Cây hoa ban không chỉ là biểu tượng tự nhiên, mà còn là linh hồn của Điện Biên. Vì vậy, giai đoạn 2019 - 2025, tỉnh Điện Biên từng triển khai đề án phát triển cây hoa ban, với mục tiêu đưa loài hoa này trở thành biểu tượng đặc trưng của tỉnh, gắn với phát triển du lịch và xây dựng hình ảnh văn hóa địa phương. Hoa ban được trồng tại nhiều công viên, tuyến phố lớn, khu di tích và trường học. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả thực sự, không chỉ cần kế hoạch trồng cây, mà còn cần chiến lược chăm sóc lâu dài và đồng bộ. Trong đó, yếu tố cộng đồng từ người dân, học sinh đến các tổ chức đoàn thể cần được huy động để cùng chăm sóc, bảo vệ và giữ gìn cây hoa ban. Việc phục hồi hàng cây hoa ban trên đường Phạm Văn Đồng không chỉ mang ý nghĩa về mặt cảnh quan, mà còn có vai trò rất lớn trong việc quảng bá hình ảnh của Điện Biên đến du khách. Hàng năm, Lễ hội Hoa Ban thu hút hàng chục nghìn lượt khách trong và ngoài nước, là dịp để giới thiệu bản sắc văn hóa, âm nhạc, trang phục và ẩm thực của đồng bào các dân tộc Tây Bắc. Trong bối cảnh đó, một tuyến đường ngập sắc ban trắng tinh khôi sẽ góp phần tạo dấu ấn sâu đậm trong lòng du khách, là điểm nhấn quan trọng để phát triển du lịch văn hóa.
Trước những vấn đề đặt ra, thiết nghĩ chính quyền địa phương cần có hành động cụ thể và quyết liệt hơn nữa. Ngoài việc thay thế cây chết, cần có sự phối hợp giữa các ngành chức năng trong việc quy hoạch không gian xanh đô thị, lựa chọn giống cây phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu địa phương. Cần học hỏi các mô hình trồng cây ban thành công, áp dụng công nghệ mới trong chăm sóc cây, đồng thời lắng nghe ý kiến đóng góp từ người dân để cùng xây dựng một thành phố xanh, đẹp và mang đậm bản sắc riêng. Việc khôi phục, chăm sóc và gìn giữ hàng cây ban trên đường Phạm Văn Đồng là trách nhiệm chung, cần được thực hiện bằng tất cả sự trân trọng đối với một loài hoa - một biểu tượng văn hóa, lịch sử và niềm tự hào của vùng đất Điện Biên anh hùng.