Theo báo cáo của Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai (Sở Nông nghiệp và Môi trường), trên địa bàn tỉnh có 1.015 công trình thủy lợi đã đưa vào khai thác sử dụng, gồm: 14 hồ chứa, 5 trạm bơm, 792 công trình lấy nước bằng đập dâng, 204 phai tạm. Trong số đó, có những công trình hồ, đập ở địa bàn vùng sâu, vùng xa gây khó khăn cho công tác ứng cứu khi xảy ra sự cố trong mùa mưa lũ.
Để chủ động phòng ngừa, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã kiểm tra, rà soát và phát hiện 3 công trình thủy lợi cấp tỉnh gồm: Cống hồ bản Ban, thủy lợi Mường Đăng và thủy lợi Mường Ảng xuất hiện một số sự cố nhỏ. Ngay sau đó, đơn vị quản lý đã khẩn trương khắc phục, hoàn thiện các hạng mục sửa chữa.
Ông Phan Văn Vượng, Quyền Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng, chống thiên tai cho biết: “Các công trình thủy lợi đã được kiểm tra thường xuyên, đặc biệt trước, trong mùa mưa lũ. Đến thời điểm hiện tại đối với 3 công trình thủy lợi cấp tỉnh có sự cố nhỏ được khắc phục đảm bảo phục vụ sản xuất”.
Công ty TNHH Quản lý thủy nông Điện Biên quản lý vận hành hơn 30 công trình thủy lợi, trong đó 13 hồ chứa nước dung tích lớn. Để đảm bảo an toàn hồ đập trong mùa mưa lũ, công ty đã chỉ đạo các đơn vị vận hành thường xuyên cập nhật tình hình thủy văn, điều chỉnh kịp thời mực nước các hồ chứa khi có mưa lớn. Đồng thời tiến hành nạo vét các cống thoát lũ, khu vực hạ lưu để đảm bảo hoạt động cho các công trình.
Ông Vũ Xuân Viễn, Phó Giám đốc Công ty TNHH Quản lý thủy nông Điện Biên chia sẻ: “Công ty thường xuyên kiểm tra, đánh giá hiện trạng các công trình để kịp thời có biện pháp sửa chữa, nạo vét, phát cây dọn cỏ, khơi thông dòng chảy. Đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương vận động người dân cùng tham gia bảo vệ công trình, đảm bảo vận hành an toàn trong mùa mưa lũ”.
Chú trọng công tác kiểm tra, duy tu thường xuyên, các đơn vị quản lý chuẩn bị sẵn sàng vật tư, phương tiện ứng phó, triển khai cụ thể tại từng cụm, trạm thủy nông. Đơn cử, tại khu vực chân đập hồ Huổi Phạ, hiện nay đá hộc, cấp phối đã được tập kết; rọ sắt được chuẩn bị đầy đủ trong kho của đơn vị quản lý. Trong trường hợp xảy ra sự cố, vật tư sẽ được cung cấp kịp thời để xử lý, ứng cứu nhanh nhất. Đối với công trình tại địa bàn vùng cao, vùng xa, đồi núi chia cắt, giao thông khó khăn thì công tác chuẩn bị vật tư, thiết bị ứng cứu cũng được đơn vị quản lý chủ động cho từng tình huống thiên tai.
Bên cạnh trách nhiệm của đơn vị quản lý, thực tế cho thấy vai trò của chính quyền địa phương và lực lượng tại chỗ hết sức quan trọng trong công tác đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, đặc biệt khi xảy ra sự cố bất ngờ trong mùa mưa lũ. Vì thế, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã chú trọng phối hợp với các địa phương, tăng cường năng lực ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”.
Toàn tỉnh đã thành lập 213 tổ chức thủy lợi cơ sở với nhiệm vụ quản lý, vận hành khoảng 84,3% tổng số công trình thủy lợi. Thành lập nhóm zalo thông tin giữa các sở, ngành, địa phương thường xuyên cập nhật tình hình mưa lũ, thiên tai. Tuyên truyền, vận động người dân khu vực gần công trình thủy lợi chủ động biện pháp đảm bảo an toàn và tích cực ứng cứu khi xảy ra sự cố…
Với đặc thù địa hình miền núi phức tạp, khi xảy ra thiên tai, sự cố các công trình hồ, đập, công tác ứng cứu và khắc phục thường gặp không ít trở ngại. Việc chủ động kiểm tra, gia cố, đảm bảo an toàn từ sớm, từ xa là giải pháp then chốt phòng ngừa, hạn chế tối đa thiệt hại do thiên tai, mưa lũ.