Rác thải bị người dân vứt bỏ ngổn ngang gây mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường trên đường vào trung tâm xã Thanh Chăn.
Xã nông thôn mới Thanh Chăn hiện có 16 thôn, bản. Để thu gom CTRSH xã Thanh Chăn đã xây dựng 7 điểm thu gom rác phân bố tại các khu tập trung đông dân cư. Mỗi ngày, đơn vị thu gom rác sẽ thực hiện thu gom 2 lần vào buối sáng sớm và chiều muộn. Tuy nhiên, từ nhiều tháng nay, tại điểm thu gom rác của 2 thôn Thanh Hồng 10 và Thanh Hồng 11 tình trạng rác vứt bỏ ngổn ngang, tràn ra cả lòng đường gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan. Trong khi bãi rác này lại nằm trên tuyến đường huyết mạch vào trung tâm xã Thanh Chăn, hàng ngày có rất nhiều người và phương tiện giao thông đi lại.
Ông Cà Văn Chính, Chủ tịch UBND xã Thanh Chăn cho biết: Đây là một trong 7 điểm thu gom rác của xã từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của việc thi công tuyến đường nhánh của đường động lực, nên mặt bằng điểm thu gom cũ đã bị san lấp. Trong khi mặt bằng mới chưa được thi công hoàn trả người dân theo thói quen cũ vẫn mang rác ra vứt bỏ tại khu vực này. Hôm nào rác nhiều, chưa kịp thu gom, một phần khối lượng rác bị tràn ra lòng đường.
Mỗi ngày khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh phát sinh khoảng 235 tấn rác thải rắn sinh hoạt.
Theo thống kê của huyện Điện Biên, tổng khối lượng CTRSH phát sinh trên địa bàn huyện khoảng 52,4 tấn/ngày. Huyện đã bố trí hơn 80 điểm thu gom tại những nơi tập trung đông dân cư và thuận tiện cho việc thu gom để vận chuyển, xử lý 20,67 tấn rác thải sinh hoạt/ngày trên địa bàn 19/21 xã khu vực lòng chảo và một số xã vùng ngoài. Rác thải sinh hoạt được thu gom và vận chuyển, xử lý tại nhà máy xử lý rác thải Púng Min, xã Pom Lót, huyện Điện Biên.
Khối lượng rác còn lại một phần được người dân tái sử dụng, một phần tự xử lý bằng cách đốt hoặc chôn lấp, phần còn lại do chưa có điểm thu gom nên người dân vẫn quăng, bỏ bừa bãi gây mất vệ sinh môi trường.
Tại huyện Mường Chà, mỗi ngày tổng lượng CTRSH ở nông thôn phát sinh khoảng 27,9 tấn, chiếm 89% tổng lượng CTSHR của cả huyện.
Ông Trần Mạnh Minh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Mường Chà cho biết: Để nâng cao tỷ lệ thu gom CTRSH ở nông thôn, từ năm 2022, huyện đã hợp đồng với công ty về môi trường thực hiện thu gom rác tại 4 xã: Mường Mươn, Na Sang, Ma Thì Hồ, Sa Lông. Theo đó, 43 điểm tập kết bằng xe đẩy tay được bố trí tại 4 xã, trung bình 3 ngày thực hiện thu gom rác 1 lần; sau đó rác được vận chuyển đến bãi xử lý rác thải, được phân loại, xử lý tại lò đốt cách trung tâm huyện khoảng 5km.
Tuy nhiên, do dân cư phân tán, diện tích đất ở rộng nên trên địa bàn các xã không có đội thu gom rác thải sinh hoạt hàng ngày, đa số lượng CTRSH được xử lý tại các bể đốt rác quy mô nhỏ đặt tại trung tâm các thôn bản và đổ thải lộ thiên tại các bãi rác tự phát gần khu dân cư, khu đất trống gần nhà. Thống kê cho thấy, tỷ lệ thu gom CTRSH nông thôn của huyện Mường Chà mới chỉ đạt 11,26%.
Mỗi ngày trên địa bàn tỉnh phát sinh khoảng 322 tấn CTRSH, trong đó, khu vực nông thôn phát sinh khoảng 235 tấn. Để giải quyết thách thức về rác thải rắn sinh hoạt ngày một lớn về khối lượng và phức tạp về thành phần, tỉnh đã đưa ra nhiều giải pháp thu gom, xử lý, đầu tư cơ sở hạ tầng, khuyến khích hoạt động phân loại chất thải rắn tại nguồn.
Toàn tỉnh hiện có 9 cơ sở xử lý chất thải đang hoạt động, trong đó 4 cơ sở xử lý rác thải bằng hình thức đốt kết hợp bãi chôn lấp tại huyện Điện Biên, thị xã Mường Lay, huyện Mường Chà và huyện Mường Ảng; 5 cơ sở xử lý theo hình thức bãi chôn lấp, trong đó có 3 cơ sở chôn lấp rác hợp vệ sinh đáp ứng các quy định (thị trấn Điện Biên Đông, thị trấn Tuần Giáo, huyện Mường Nhé).
Dù đã có nhiều nỗ lực trong công tác quản lý chất thải rắn với hơn 100 tấn CTRSH được thu gom, xử lý mỗi ngày, song thực thế, tỉnh Điện Biên vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong công tác này. Nguyên nhân là do việc thu hút đầu tư đối với hoạt động xử lý chất thải rắn còn nhiều vướng mắc; việc thực hiện phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh chưa thực hiện được, một phần do thiếu kinh phí, nguồn nhân lực.
Bên cạnh đó, ý thức của người dân về thu gom, phân loại chất thải rắn đúng nơi quy định còn hạn chế. Đặc biệt là ở địa bàn nông thôn, do địa bàn thu gom rộng, trong khi các khu dân cư thưa thớt không tập trung, địa hình chủ yếu là đồi núi. Do đó tỷ lệ thu gom, xử lý CTRSH tại khu vực nông thôn trên toàn tỉnh mới đạt 23%. Ðiều này có nghĩa còn khoảng 77% lượng rác thải tại khu vực nông thôn chưa được thu gom, xử lý. Đối với lượng rác thải này một phần người dân tự xử lý bằng cách đốt hoặc chôn lấp, còn lại hầu hết xả thải trực tiếp ra môi trường.
Giải quyết bài toán rác thải không chỉ một sớm một chiều, mà đòi hỏi phải có sự thay đổi từ nhiều phía, theo hướng chuyên nghiệp, bài bản trong việc thu gom, xử lý rác thải. Để nâng cao chất lượng bảo vệ môi trường cũng như xử lý hiệu quả các bãi rác tự phát, không chỉ là việc của các cấp chính quyền, thực hiện nghiêm chế tài xử lý vi phạm, mà giải pháp quan trọng nhất chính là việc thay đổi ý thức của mỗi người dân.