Lao động tự do làm việc trên giàn giáo chông chênh tại một công trình xây dựng nhà ở bản Noong Chứn, phường Nam Thanh.
Vì hai chữ “mưu sinh”
Có mặt tại một công trình xây dựng nhà ở khu vực bản Noong Chứn, phường Nam Thanh, TP. Điện Biên Phủ, tận mắt chứng kiến những người thợ xây treo mình trên giàn giáo chông chênh, người xây, người trát, người thì tung gạch… tất cả đều không quần áo bảo hộ lao động, không lưới an toàn xung quanh, chúng tôi mới phần nào thấu hiểu nỗi vất vả, nhọc nhằn và cả những nguy hiểm của những người LĐTD.
Bước ra từ đống xi măng, gạch, cát bụi mù, trong bộ đồ thấm đẫm mồ hôi, ông Trần Duy Tuyên, trú tại xã Thanh Luông, huyện Điện Biên, người đã có thâm niên gần 20 năm trong nghề phụ hồ cho biết: "Khi nhận công trình, chúng tôi cũng chỉ biết lao vào làm việc để kiếm tiền. Kiến thức về an toàn lao động thì không có ai dạy, mà bận nên cũng chẳng có thời gian đi học, chủ yếu là anh em truyền tai nhau kinh nghiệm để giảm tai nạn rủi ro trong khi làm việc, nhất là lao động trên cao. Bảo hộ lao động thì găng tay với mũ cối là cũng tạm được rồi".
Xây dựng nhà cửa; xây dựng công trình kỹ thuật; khai thác khoáng sản; thợ lắp ráp và thợ cơ khí điện; lao động giản đơn trong nông nghiệp… là những nhóm nghề có nhiều LĐTD tham gia. Vất vả, nhọc nhằn, thường xuyên phải đối mặt với những hiểm nguy rình rập từ nghề. Song, hầu hết những người LĐTD đang phải chấp nhận thực tế làm việc không hợp đồng lao động, không bảo hiểm, không được tập huấn các kiến thức cơ bản về vệ sinh lao động, ngay cả thiết bị bảo hộ lao động cũng không có.
Việc cả người lao động và người sử dụng lao động vẫn thờ ơ với vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh lao động là một trong những nguyên nhân chính khiến tai nạn lao động (TNLĐ) vẫn xảy ra. Thống kê tình hình TNLĐ đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động cho thấy, chỉ riêng trong năm 2024, toàn tỉnh xảy ra 11 vụ TNLĐ khiến 6 người chết, 5 người bị thương nặng. Trong đó, tai nạn lao động giản đơn trong nông nghiệp 4 vụ; lao động giản đơn trong xây dựng nhà cửa chiếm 7 vụ.
TNLĐ là điều không ai mong muốn, nhưng khi tai nạn xảy ra, ngoài việc đối mặt với những tổn hại về sức khỏe, người lao động tự do, thời vụ, không có hợp đồng ràng buộc khó đòi hỏi khó đòi hỏi các quyền lợi liên quan. Bởi trên thực tế, do phần lớn LĐTD làm việc không có giao kết hợp đồng lao động nên khi sự cố tai nạn lao động xảy ra, cơ quan chức năng không nắm được vì chủ sử dụng lao động cũng như người lao động không khai báo.
Lao động tự do chờ việc làm tại khu vực gần Nghĩa trang A1.
Đơn cử, trong thông báo tình hình tai nạn lao động trên địa bàn tỉnh cho thấy, đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động, năm 2024 UBND các xã, phường, thị trấn chưa thực hiện khai báo các vụ TNLĐ làm chết người với cơ quan chức năng theo quy định; chưa lập biên bản ghi nhận sự việc và báo cáo UBND cấp huyện, thị xã, thành phố nơi xảy ra tai nạn, đối với trường hợp tai nạn lao động bị thương nặng. Điều này đã gây khó khăn cho cơ quan có thẩm quyền khi đứng ra bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động.
Cần thêm “điểm tựa” thiết thực
Những năm gần đây, Nhà nước đã thực hiện không ít chính sách hướng về nhóm LĐTD. Chẳng hạn, BHXH tự nguyện và BHYT toàn dân đã tạo điều kiện cho LĐTD được chăm sóc sức khỏe, hưởng chế độ hưu trí, tử tuất… hay thiết thực hơn là Luật An toàn vệ sinh lao động cũng quy định rõ người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động có quyền như: Được pháp luật bảo vệ quyền được làm việc trong điều kiện an toàn; được huấn luyện an toàn vệ sinh lao động khi làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn. Ngoài ra, LĐTD được tham gia và hưởng bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện và sẽ được hỗ trợ về mức đóng do Chính phủ quy định…
Nhiều chính sách hướng đến song có một thực tế là số LĐTD tham gia rất ít. Phần lớn do trình độ, nhận thức của một bộ phận người LĐTD còn hạn chế nên chưa thấy hết được lợi ích, mặt khác, do điều kiện về kinh tế của LĐTD còn nhiều khó khăn, thu nhập thấp, công việc không ổn định nên phần lớn họ đều tỏ ra không “mặn mà”.
Lao động giản đơn trong xây dựng nhà cửa là nhóm nghề thường xảy ra tai nạn lao động.
Anh Lò Văn Thường, bản Mé, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên, một LĐTD đang làm phụ hồ cho một công trình xây dựng cho biết: Tôi cũng muốn mua bảo hiểm để phòng thân, nhưng tiền kiếm được chẳng đủ chi tiêu, thu nhập bấp bênh trong khi mua bảo hiểm phải đóng trong thời gian dài thì lấy đâu ra tiền mua. Cũng có nhiều trường hợp, đồng nghiệp của tôi không may bị TNLĐ như ngã giàn giáo, bị gạch, sắt rơi trúng người... nhiều khi nghĩ đến tôi cũng thấy sợ, nhưng vẫn phải làm để kiếm sống.
Trước thực tế trên, rõ ràng, cần phải có các giải pháp thiết thực, hữu hiệu hơn nữa để LĐTD dễ dàng tiếp cận và hưởng thụ các chính sách an sinh xã hội hiện có. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra các cơ sở sử dụng LĐTD nhằm phát hiện các sai phạm và xử lý kịp thời. Đối với người LĐTD cũng cần tự bảo vệ mình bằng nhiều hình thức, trong đó quan trọng vẫn là hiểu biết về các chính sách, chế độ an sinh xã hội dành cho mình để làm căn cứ tự bảo vệ mình trước khi nhận lời làm việc cho bất kỳ tổ chức, đơn vị nào.