Mưa lớn kéo dài đã khiến cầu Nậm Mển nối bản Nà Lốm với bản Giảng Co Ké (xã Thanh Nưa) bị sập, cuốn trôi. Ông Cà Văn Nhói, Trưởng bản Nà Lốm chia sẻ: Khoảng 7h30 sáng ngày 2/7, người dân phát hiện cầu Nậm Mển đổ sập xuống dòng nước lũ. Hiện tại, 220 hộ dân bản Nà Lốm chưa có phương án để lưu thông, gần như bị cô lập. Sáng 3/7, có hộ dân cố tình đưa trâu qua khu vực cầu, khiến con trâu bị nước lũ cuốn trôi. Sau nhiều giờ trục vớt, người dân đã đưa được xác con trâu, nặng khoảng hơn 1 tạ, lên bờ.
Theo ông Chu Văn Bách, Chủ tịch xã Thanh Nưa: Xác nhận ngày 2/7, do ảnh hưởng mưa lớn, làm gãy và hư hỏng cây cầu Nậm Mển nối giữa bản Giảng Co Ké và bản Nà Lốm. Hiện nay, chúng tôi đã phối hợp với cán bộ cơ sở kiểm tra, rà soát để có phương án khắc phục; huy động lực lượng “4 tại chỗ” xử lý bước đầu. Cầu Nậm Mển có chiều dài 10m, gãy đến gần 2 mố cầu. Trước mắt, chính quyền xã đã cắm biển cấm người dân không lưu thông qua khu vực này.
Theo thống kê của đơn vị chuyên môn, đến 12h ngày 3/7, trên địa bàn tỉnh có 3 xã gồm: Nà Tấu, Mường Phăng và Thanh Nưa bị thiệt hại do mưa lớn. Trong đó, chủ yếu ngập úng, vùi lấp diện tích lúa trên 8,3ha tại 2 xã Mường Phăng và Thanh Nưa; 3 ngôi nhà của người dân thuộc xã Thanh Nưa và Mường Phăng bị hư hỏng do đất, đá, bùn tràn vào nhà; một số tuyến đường giao thông tại bản Nậm Ty 2, Púng Nghịu (xã Thanh Nưa) và bản Co Pháy (xã Nà Tấu) bị sạt lở đất xuống nền đường...
Ông Nguyễn Trần Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Phăng cho biết: Do mưa kéo dài từ ngày 1/7 đến nay, trên địa bàn xã có hơn 2.000m² lúa đang thời kỳ thu hoạch bị đất đá vùi lấp tại bản Nọong Nghịu. Một ngôi nhà tại bản Trung Tâm bị hư hỏng khu nhà bếp do đất, đá trên taluy tràn xuống. Nắm bắt được thông tin, UBND xã đã phối hợp với các cơ quan, đoàn thể thực hiện di chuyển tài sản bị ảnh hưởng và hỗ trợ người dân di chuyển khỏi nơi có nguy cơ sạt lở. Bên cạnh đó, chúng tôi tiếp tục cập nhật và báo cáo Sở Nông nghiệp và Môi trường, cũng như UBND tỉnh để xin chủ trương khắc phục và xây dựng phương án hỗ trợ người dân.
Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, UBND các xã trên địa bàn tỉnh cần nghiêm túc thực hiện công tác phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”, huy động lực lượng xung kích tại cơ sở để kịp thời khắc phục những thiệt hại do thiên tai gây ra. Nắm tình hình và báo cáo các khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét, ngập lụt để kịp thời có phương án xử lý, hỗ trợ và khắc phục; rà soát, thống kê, đánh giá thiệt hại cụ thể. Tại các điểm sạt lở nghiêm trọng, UBND xã cắm biển cảnh báo, rào chắn tạm thời để đảm bảo an toàn cho người dân. Đồng thời, huy động người dân địa phương hỗ trợ dọn dẹp đất đá, khai thông tạm thời các đoạn đường bị ách tắc.