Hiến đất làm đường, làm nhà văn hóa, xây dựng các công trình công cộng, chung tay xây dựng NTM là việc nên làm; đó cũng là sự hưởng ứng, góp sức mình để nông thôn không ngừng đổi mới... Với suy nghĩ như vậy, đảng viên Thùng Văn Hôm, bản Nà Hỳ 2 (xã Nà Hỳ) đã tự nguyện hiến gần 400m2 đất để làm đường giao thông nông thôn.
Ông Hôm phấn khởi cho hay: Đối với người nông dân, “tấc đất là tấc vàng”, đất là sinh kế nuôi sống gia đình, nhưng chủ trương hiến đất làm đường vẫn nhận được sự đồng tình, ủng hộ lớn. Bởi người dân chúng tôi hiểu được lợi ích chương trình xây dựng NTM mang lại, từ đó có trách nhiệm tham gia tích cực. Nhìn thành quả là tuyến đường rộng rãi, khang trang, chúng tôi rất tự hào vì được đóng góp công sức xây dựng quê hương đổi mới.
"Học và làm theo Bác không phải ở điều gì xa vời mà bắt đầu từ những việc làm ý nghĩa, thiết thực, có lợi cho bản mường, cộng đồng, xã hội và cuộc sống thường ngày” - đó là suy nghĩ và hành động của nông dân Sùng A Cua, bản Mạy Hốc, xã Phìn Hồ. Anh Cua và gia đình đã bàn bạc, thống nhất, tự nguyện hiến 500m2 đất để xây dựng nhà văn hóa.
Anh Cua chia sẻ: “Mỗi khi tết đến, xuân về hay xã tổ chức hoạt động thi đấu thể thao, văn nghệ được cùng bà con trong bản đến xem, cổ vũ, tham gia các trò chơi tôi rất vui vì mình và gia đình đã góp một phần công sức để bản có diện mạo mới như hôm nay”. Không chỉ tự nguyện hiến đất, anh Sùng A Cua còn là tuyên truyền viên xuất sắc, tích cực vận động các gia đình trong bản tham gia hiến đất, hiến công xây dựng các công trình công cộng, phúc lợi có ích cho cộng đồng.
Dù là xã có tỷ lệ hộ nghèo cao, đời sống nhân dân còn nhiều vất vả; tuy nhiên sau khi có chủ trương vận động người dân hiến đất xây dựng NTM, Nậm Chua là một trong những xã đi đầu trong phong trào này. Đến nay, toàn xã đã hiến được gần 20.000m2 đất để làm đường giao thông và xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu. Tiêu biểu như: Cộng đồng bản Huổi Cơ Mông (37 hộ) hiến 17.250m2 đất làm đường bê tông; cộng đồng bản Nậm Ngà 2 hiến hiến 552m2 đất làm nhà văn hóa bản; cộng đồng bản Nậm Chua 5 hiến 609m2 đất làm nhà văn hóa bản…
Chia sẻ về cách thức tuyên truyền, vận động người dân hiến đất làm đường, ông Thào A Khai, Chủ tịch UBND xã cho biết: Quyết định hiến đất và những tài sản có giá trị là điều không dễ đối với bất cứ gia đình hay cá nhân nào. Bởi mỗi mét đất, mỗi công trình, đều phải trải qua quá trình lao động, tích lũy của người dân. Ngay sau khi có chủ trương, xã đã thành lập ban chỉ đạo công tác tuyên truyền, vận động; đồng thời phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền tại các thôn, bản. Tổ chức các hội nghị, hướng dẫn cụ thể nội dung tuyên truyền với phương châm công khai, minh bạch, mưa dầm thấm lâu… Trong đó, lấy tinh thần của cán bộ, đảng viên đi trước; tích cực vận động, giải thích để các hộ thấy được lợi ích của việc mở rộng các tuyến đường và kết quả đã nhận được sự đồng tình ủng hộ và đồng thuận của người dân, hàng trăm hộ dân đã tự tay dỡ tường rào, giải phóng cây cối, hiến đất mở đường với mong muốn được đóng góp công sức của để xây dựng quê hương...
Xác định việc tuyên truyền là khâu “then chốt” tạo điều kiện thuận lợi để người dân hiểu rõ được tầm quan trọng, mục tiêu, ý nghĩa, nội dung, cách làm trong quá trình triển khai xây dựng NTM... Cấp ủy, chính quyền huyện Nậm Pồ đã làm tốt việc tuyên truyền, vận động, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM. Đặc biệt, đối với chương trình, dự án không có kinh phí giải phóng mặt bằng hoặc nguồn vốn đầu tư hạn hẹp; huyện đã đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, luôn gần dân, sát dân, cố gắng kiên trì, vừa tuyên truyền, vận động, vừa lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của nhân dân; từ đó người dân đã tích cực, tự nguyện hiến đất, hoa màu, vật kiến trúc, ngày công lao động xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn.
Với tinh thần cộng đồng “đất vàng cũng hiến”, nhiều cộng đồng, người dân đã tích cực tham gia hiến đất, ngày công lao động. Giai đoạn 2021 - 2024, toàn huyện Nậm Pồ đã vận động hiến trên 59.000m2 đất và hàng nghìn ngày công lao động trong xây dựng NTM. Từ thực tiễn cho thấy, sau hơn một “thập kỷ” triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng NTM, với sự đồng lòng, chung vai của nhân dân, huyện Nậm Pồ đã đạt nhiều kết quả to lớn, toàn diện. Đến hết năm 2024, toàn huyện có 1 xã được công nhận đạt chuẩn NTM; 1 xã đạt 17 tiêu chí (Chà Cang), 1 xã cơ bản đạt 16 tiêu chí (Nà Hỳ); bình quân tiêu chí NTM đạt 11,33 tiêu chí/xã; 2 bản đạt NTM kiểu mẫu, 30 bản đạt bản NTM. Đặc biệt, diện mạo NTM các xã vùng cao, biên giới đã có nhiều khởi sắc rõ rệt, từng bước phát triển toàn diện; cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định và được giữ vững; tỷ lệ hộ nghèo giảm qua các năm, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân đã và đang được cải thiện, nâng cao, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Với nhiều tấm gương sáng, điển hình, tích cực tham gia hiến kế, hiến đất, hiến công, chung tay xây dựng NTM đã khẳng định giá trị khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hướng về mục tiêu phát triển toàn diện, bền vững của quê hương Nậm Pồ. Qua đó càng hiểu hơn giá trị, ý nghĩa lời dạy sâu sắc, quý báu của Bác Hồ: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
Bài, ảnh: Sầm Phúc