Ngày 23/4, Ban Tổ chức Trung ương đã ban hành Hướng dẫn số 31-HD/BTCTW về việc thành lập tổ chức đảng tương ứng các đơn vị hành chính ở địa phương và sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan MTTQ Việt Nam, đoàn thể cấp tỉnh, cấp xã. Trong đó nêu rõ, ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo ban thường trực ủy ban MTTQ tỉnh xây dựng Đề án Sắp xếp, tinh gọn tổ chức MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ theo nguyên tắc: Hợp nhất cơ quan tham mưu, giúp việc về chung với cơ quan MTTQ tỉnh; giữ nguyên tư cách pháp nhân của các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng (có con dấu, tài khoản riêng). Vừa bảo đảm hoạt động của các đoàn thể, hội quần chúng trực thuộc MTTQ, vừa đảm bảo tính chủ động, sáng tạo của mỗi tổ chức (độc lập tương đối).
Ngay sau đó, ngày 27/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã trình Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đề án Sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng trên địa bàn. Theo đó, đối với MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, hiện tại có 19 đầu mối. Thực hiện phương án sắp xếp trên, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh còn tối đa 10/19 đầu mối (53%), giảm 9 đầu mối (47%). Thông tin từ Ban Tổ chức Tỉnh ủy, sau khi sắp xếp, tinh gọn MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, dự kiến giảm 7,2% biên chế (số người nghỉ hưu trước tuổi ngay sau sắp xếp là 12 người). Tổng biên chế của cơ quan Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh giảm 15,6% (26 biên chế là chủ tịch, phó chủ tịch, công chức không giữ chức vụ lãnh đạo của liên đoàn lao động cấp huyện chuyển về xã và một số về cấp tỉnh cho phù hợp).
Về các hội quần chúng, Điện Biên hiện có 13 tổ chức hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ. Trước mắt, giữ nguyên tổ chức bộ máy của các hội như hiện nay; giao cho Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh làm đầu mối, phối hợp quản lý, điều tiết biên chế, kinh phí hoạt động. Sau khi Đề án được triển khai thực hiện, Đảng ủy MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội chủ trì, tiếp tục rà soát, sắp xếp, tinh gọn, đồng thời tinh giản đầu mối bên trong, biên chế từng tổ chức theo chủ trương chung. Dự kiến sau khi sắp xếp, tinh gọn, số biên chế giảm ít nhất 4,8%. Trong 5 năm, tiếp tục thực hiện rà soát tinh gọn số đầu mối bên trong và thực hiện sắp xếp, giảm biên chế theo quy định.
Với chủ trương và dự kiến triển khai trên, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng đều có sự chuẩn bị tích cực cho sáp nhập. Với vai trò chủ chốt trong công tác này, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã chủ trì xây dựng đề án một cách nghiêm túc, khẩn trương, thận trọng, kỹ lưỡng, đưa ra thảo luận nhiều lần.
Đồng chí Mùa A Vảng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết: Ban Thường trực Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội, các hội quần chúng đã xây dựng kế hoạch, thành lập ban chỉ đạo, tổ giúp việc khẩn trương chỉ đạo các nội dung liên quan đến sắp xếp bộ máy. Đảm bảo tiến độ chung thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy. Trong thời gian tới, sau khi Đề án được ban hành, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh sẽ chủ động bám sát theo các văn bản hướng dẫn của cấp có thẩm quyền để thực hiện các nhiệm vụ nhằm triển khai công tác sắp xếp, tinh gọn bộ máy đảm bảo yêu cầu. Trong đó: Tập trung làm tốt công tác chính trị tư tưởng tạo sự đồng thuận cao; phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của bộ máy mới để sớm đi vào hoạt động ổn định và phương án sắp xếp, bố trí vị trí việc làm theo mô hình mới...
Đối với Hội Nông dân, hiện cũng đang có những bước chuẩn bị, sẵn sàng cho cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy. Hội hiện có 3 phòng ban, với 21 cán bộ trong biên chế, trong đó 3 đồng chí đã đăng ký nghỉ hưu theo Nghị định 178. Với 21/21 cán bộ là đảng viên, việc triển khai các công tác của hội có nhiều thuận lợi. Theo ông Lỳ Lỳ Xá, Chủ tịch Hội Nông dân: “Trong quá trình thực hiện, Hội đã phối hợp với MTTQ tham gia xây dựng đề án và quán triệt các nghị quyết, kết luận, hướng dẫn của Trung ương về sắp xếp tổ chức bộ máy tới toàn thể đảng viên trong chi bộ. Qua đó các đảng viên nắm rõ và yên tâm thực hiện nhiệm vụ, không dao động, ảnh hưởng tới công việc và đoàn kết nội bộ”.
Việc sáp nhập các hội, đoàn thể vào MTTQ là công việc phức tạp, có thể phát sinh nhiều vướng mắc, như quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ chế phối hợp thực hiện, cơ sở vật chất... “Đây là công việc mới, lúc đầu sẽ lúng túng trong quá trình thực hiện, tuy nhiên thời gian tới dưới sự lãnh đạo chung của Tỉnh ủy và MTTQ, Hội Nông dân sẽ cùng phối hợp làm tốt, nghiêm túc nội dung đề án, đạt hiệu quả thiết thực” - ông Lỳ Lỳ Xá chia sẻ thêm.
Những khó khăn trên cũng là điều mà tỉnh lường trước và đang đối mặt. Việc ban hành các văn bản, quy định, hướng dẫn của các cơ quan Trung ương ở một số nội dung còn chậm dẫn đến việc triển khai thực hiện sắp xếp tại địa phương gặp nhiều lúng túng, thiếu cơ sở pháp lý. Sau khi sắp xếp, việc bố trí vị trí cho cán bộ, công chức, người lao động sẽ gặp khó do giảm đầu mối, số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong hệ thống dôi dư nhiều. Cơ sở vật chất của cơ quan MTTQ, các hội, đoàn thể phân tán, không tập trung, cần phải sắp xếp bố trí lại trụ sở làm việc... Bởi vậy sau khi Đề án được ban hành, các đơn vị cần tiếp tục tích cực, quyết liệt triển khai thực hiện với quyết tâm cao, cùng với đó làm tốt công tác tư tưởng tạo sự đồng thuận thống nhất, đảm bảo “tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả”.