ĐBP - Trên cơ sở hợp nhất 4 đảng bộ các xã: Na Sang, Ma Thì Hồ, Sa Lông và thị trấn Mường Chà (cũ), Đảng bộ xã Na Sang mới được thành lập với 60 chi, đảng bộ trực thuộc; 1.278 đảng viên. Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ xã Na Sang đã thể hiện rõ tinh thần đoàn kết, đổi mới và sáng tạo, vượt qua nhiều khó khăn để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị.
Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng ủy và Ban Thường vụ Đảng ủy xã đã tập trung cao độ trong công tác chỉ đạo, triển khai đồng bộ các nghị quyết từ Trung ương đến địa phương. Mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức như hạn chế về nguồn lực, thiên tai, dịch bệnh, cấp ủy xã vẫn kiên định trong lãnh đạo, chủ động trong hành động, góp phần duy trì ổn định chính trị và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.
Trong lĩnh vực kinh tế, xã Na Sang đã đạt những kết quả đáng ghi nhận. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, gắn liền với tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển hàng hóa. Tổng diện tích gieo trồng cây lương thực đạt hơn 2.200ha, sản lượng hơn 5.700 tấn, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 32 triệu đồng/năm. Nhiều loại cây trồng có giá trị như cao su, mắc ca, quế, chè cây cao đã được phát triển ổn định, trong đó có 7 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao.
Bên cạnh đó, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản tăng trưởng khá, tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 34%. Các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ cũng phát triển phù hợp với tiềm năng địa phương, đưa các sản phẩm đặc trưng như dứa Na Sang, thịt trâu sấy, lạp xưởng lên sàn thương mại điện tử. Tổng thu ngân sách địa phương đạt 215 tỷ đồng. Hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư, đường giao thông, điện, nước sạch cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân, góp phần tạo nền tảng vững chắc cho phát triển bền vững trong tương lai.
Triển khai hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đời sống người dân trên địa bàn xã Na Sang đã được cải thiện rõ rệt, kinh tế - xã hội ngày càng phát triển toàn diện. Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có tổng vốn hơn 100 tỷ đồng, tỷ lệ giải ngân đạt gần 99% đã tập trung cho 17 dự án, 11 tiểu dự án trọng điểm. Chương trình xây dựng nông thôn mới ghi nhận kết quả tích cực với 16/19 tiêu chí được hoàn thành, có 11 bản đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân mỗi bản đạt 9 tiêu chí. Chương trình giảm nghèo bền vững cũng đạt hiệu quả rõ nét khi tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn dưới 29%, bình quân giảm trên 4% mỗi năm. Khoa học - công nghệ được đẩy mạnh, đặc biệt trong ứng dụng công nghệ số vào quản lý và sản xuất, với việc triển khai tiêu chuẩn VietGAP tại Hợp tác xã Na Sang.
Công tác bảo vệ tài nguyên và môi trường được chú trọng, nâng tỷ lệ thu gom rác thải rắn lên 50%, bảo vệ tốt rừng đầu nguồn và hoàn thành quy hoạch sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận đất lâm nghiệp. Bên cạnh phát triển kinh tế, công tác đảm bảo quốc phòng - an ninh cũng được chú trọng. Cấp ủy và chính quyền xã đã chủ động nắm bắt tình hình, triển khai hiệu quả các nhiệm vụ huấn luyện, tuyển quân, diễn tập và xây dựng lực lượng dân quân tự vệ vững mạnh. An ninh chính trị được giữ vững, không xảy ra điểm nóng; phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” tiếp tục phát triển. Đặc biệt, công tác đối ngoại với cụm bản Nà Lằm của nước bạn Lào được duy trì hiệu quả, góp phần đảm bảo an ninh khu vực biên giới và xây dựng mối quan hệ hữu nghị, hợp tác bền vững.
Trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, xã Na Sang đã có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác tổ chức xây dựng Đảng được triển khai đồng bộ, nâng cao chất lượng cán bộ, kết nạp thêm 250 đảng viên mới; xóa 7 bản trắng chi bộ, hiện tại, 100% các bản, tổ dân phố, trường học và trạm y tế trên địa bàn có chi bộ, với tỷ lệ trưởng bản là đảng viên đạt gần 80%. Công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật trong Đảng được thực hiện nghiêm túc, góp phần nâng cao tính minh bạch, hiệu lực và hiệu quả lãnh đạo. Công tác dân vận chính quyền được đẩy mạnh, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc giám sát, phản biện và vận động người dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước. Cải cách hành chính và chuyển đổi số được quan tâm đúng mức; công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo đạt nhiều chuyển biến tích cực...
Trong nhiệm kỳ tới, xã Na Sang xác định một số nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá để tạo bước chuyển biến rõ nét trong phát triển kinh tế - xã hội. Trọng tâm là phát triển nông, lâm nghiệp bền vững, gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân. Xã sẽ từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, thu hút doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị và hướng tới sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Đồng thời, xã ưu tiên đầu tư hạ tầng thiết yếu như giao thông, thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, đặc biệt tại các bản vùng cao và biên giới. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế tiếp tục được quan tâm phát triển đồng bộ, chất lượng giáo dục toàn diện được nâng cao, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm. Công tác quốc phòng - an ninh sẽ tiếp tục được giữ vững, đảm bảo an ninh trật tự và cuộc sống bình yên cho người dân.
Trong công tác xây dựng Đảng, xã sẽ tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, coi đây là nhiệm vụ then chốt để tăng cường sức chiến đấu và hiệu quả điều hành của hệ thống chính trị. Khâu đột phá được xác định là tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng hiệu quả và bền vững, tập trung phát triển các cây trồng chủ lực như chè, mắc ca, cà phê, cao su và dứa, đồng thời xây dựng vùng nguyên liệu lớn gắn với chế biến tại chỗ. Bên cạnh đó, xã tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số trong các lĩnh vực, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đầu tư vào các công trình thủy lợi lớn nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp và ứng phó với biến đổi khí hậu.