Mong mỏi miễn viện phí toàn dân
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, không khó để bắt gặp hình ảnh bệnh nhân khắc khổ với bệnh tật. Trong hành trình đi tìm sự sống, có những người bệnh không gục ngã trước căn bệnh mà là trước những khoản chi phí điều trị quá đắt đỏ. Điều trị bệnh ung thư nhiều năm nay, khi biết được thông tin sắp tới miễn viện phí, ông Điêu Khắc Chinh (TP. Điện Biên Phủ) vừa vui mừng vừa xúc động, đồng thời mong mỏi chính sách này sớm trở thành hiện thực. “Dù BHYT hiện nay đã hỗ trợ phần nào, nhưng với những người bệnh nặng, hiểm nghèo, chi phí điều trị vẫn là gánh nặng rất lớn. Mấy năm qua, gia đình tôi phải chi hàng chục triệu để mua thuốc ngoài danh mục BHYT, đó là chưa kể những đợt hóa trị, xạ trị; trong khi bản thân tôi không thể làm việc lại tiêu tốn quá nhiều tài chính gia đình”, ông Chinh bày tỏ.
Bà Vũ Thị Thêm, phường Thanh Trường (TP. Điện Biên Phủ) có người nhà bị tai biến mạch máu não, đang điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Gần chục ngày chị gái nằm viện, dù đã có thẻ BHYT, nhưng nhiều loại thuốc ngoài danh mục bà Thêm cùng gia đình vẫn phải tự chi trả. Bởi vậy, bà Thêm rất mong muốn chủ trương miễn viện phí sớm được triển khai để gia đình giảm bớt gánh nặng kinh tế.
Bà Thêm cho biết: Chi phí điều trị rất tốn kém, có những loại thuốc ngoài danh mục bảo hiểm phải mua với giá tiền triệu một đợt. Đối với gia đình nông thôn điều kiện khó khăn, mỗi lần đau ốm bệnh tật phải nằm viện, chúng tôi phải chạy vạy vay mượn để chữa trị. Nếu được miễn viện phí hoặc hỗ trợ toàn bộ chi phí điều trị, chúng tôi sẽ yên tâm hơn khi đi khám chữa bệnh, bớt lo cho gia đình và người bệnh có thêm động lực chiến đấu với bệnh tật.
Theo thông báo của Văn phòng Trung ương Đảng, chủ trương miễn viện phí cho toàn dân sẽ được triển khai trong giai đoạn 2030 - 2035. Đây là chính sách lớn về an sinh xã hội, tiếp nối quyết định miễn học phí cho học sinh công lập từ bậc mầm non đến hết trung học phổ thông từ năm học 2025 - 2026, với kinh phí ngân sách dự kiến khoảng 30.000 tỷ đồng mỗi năm.
Nhiều người dân bày tỏ sự phấn khởi trước thông tin này. Chị Lường Thị Dung, xã Thanh An (huyện Điện Biên) chia sẻ: Nghe thông tin trên tivi, báo, đài về định hướng miễn viện phí cho người dân, tôi rất vui mừng. Hiện có khá nhiều người mắc các bệnh nan y với chi phí điều trị tốn kém. Ai cũng mong chủ trương sớm được thực hiện, để người nghèo, người lao động tự do có điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt hơn.
Tiến tới chính sách an sinh đúng nghĩa
Từng chứng kiến không ít người bệnh phải bán cả gia tài để điều trị bệnh nan y, hay có những bệnh nhân phải dừng điều trị vì không đủ điều kiện kinh tế. Bởi vậy, bác sĩ Trần Hải Phong, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh bày tỏ sự vui mừng nếu người dân ai cũng được chăm sóc sức khỏe tốt, được giải quyết gánh nặng kinh tế. “Thực tiễn từ công tác khám chữa bệnh, nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch, để bảo toàn sự sống phải được phẫu thuật gấp và đó đều là những phẫu thuật đòi hỏi kỹ thuật cao, chi phí điều trị rất tốn kém. Trong khi đó, không phải bệnh nhân nào cũng tham gia BHYT, chưa kể đến các chi phí phát sinh trong khám chữa bệnh, dịch vụ y tế mà BHYT không chi trả hoặc chỉ chi trả một phần”, bác sĩ Phong cho biết.
Từ góc độ chuyên môn, đội ngũ y bác sĩ trên địa bàn tỉnh bày tỏ sự đồng tình với chủ trương miễn viện phí toàn dân, cho rằng đây là chính sách mang tính nhân văn sâu sắc, góp phần giúp người dân chủ động hơn trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. Là người trong nghề, nhiều năm thấu hiểu những khó khăn, vất vả của bà con nơi vùng cao trong việc tiếp cận dịch vụ y tế, bác sĩ CKI Hoàng Thị Mai Thông, Khoa Khám bệnh, Trung tâm Y tế huyện Điện Biên cho biết: Đời sống người dân còn nhiều khó khăn, mỗi khi ốm đau, chi phí khám, chữa bệnh trở thành nỗi lo, thậm chí là gánh nặng, khiến nhiều gia đình chần chừ, không dám đến bệnh viện, từ đó lỡ cơ hội cứu chữa kịp thời, dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Khi viện phí được miễn, người dân sẽ không còn phải đắn đo, lo lắng về tiền bạc mỗi khi cần đến bệnh viện. Họ sẽ chủ động hơn trong việc thăm khám, điều trị bệnh tật ở giai đoạn sớm, từ đó nâng cao hiệu quả điều trị và giảm thiểu biến chứng nguy hiểm. Điều này đặc biệt quan trọng ở những vùng đồng bào miền núi, nơi nhận thức về y tế của người dân đôi khi còn hạn chế và việc tiếp cận các dịch vụ y tế còn nhiều khó khăn.
Có thể thấy, chủ trương miễn viện phí không chỉ đơn thuần giảm bớt gánh nặng kinh tế, mà còn mang thông điệp, ý nghĩa nhân văn “Sức khỏe là vốn quý nhất của mỗi người và mọi người dân đều có quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe một cách tốt nhất, không phân biệt giàu nghèo”.
Trao đổi về định hướng miễn viện phí toàn dân của Đảng, Nhà nước, TS,BS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho rằng: Việc miễn viện phí tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận dịch vụ y tế cơ bản một cách công bằng, không bị rào cản bởi chi phí. Đây là chủ trương mang tính đột phá; gợi mở để các cơ quan chức năng xây dựng lộ trình triển khai phù hợp. Theo tôi, các cơ sở y tế phải chuẩn bị tinh thần, tâm thế làm việc mới. Không vì miễn phí mà lơ là việc đảm bảo các quy trình chuyên môn, quy trình kỹ thuật, đồng thời không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Để hiện thực hóa ý tưởng miễn viện phí toàn dân, cần được tính toán theo một lộ trình khoa học, hợp lý, cơ chế quản lý hiệu quả, chặt chẽ. Từ đó, góp phần tiến tới chính sách an sinh đúng nghĩa, tạo dựng hệ thống y tế nhân văn, bao trùm và bền vững.
Bài, ảnh: Minh Thảo